Nhà Mỹ Linh, Thành Chương “khó xử lý“

Khắp các khu vực chân núi, cánh rừng do Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn quản lý hiện có hàng chục khu nhà kín cổng cao tường xây theo kiểu biệt thự nghỉ dưỡng với vườn cây, ao cá, tiểu cảnh...
Trong đó, Việt phủ Thành Chương được xây dựng trên diện tích hơn 8.000 m2 đất rừng đặc dụng ở xã Hiền Ninh và đang tiếp tục xây những hạng mục tiếp theo. Còn khu đất hơn 12.000 m2 của gia đình ca sĩ Mỹ Linh gồm nhiều công trình được xây trên đất rừng phòng hộ ở xã Minh Phú, liền kề với nhiều khu biệt thự rộng hàng nghìn m2 khác.
Theo ghi nhận của VnExpress, những biệt thự, nhà hàng, thậm chí cả nhà nghỉ ở đây hoàn toàn nằm trên đất rừng và mọc lên ngày càng nhiều. Những cánh rừng, trong đó có nhiều diện tích rừng phòng hộ bị chia cắt bởi những tường rào cao hàng mét. Không chỉ vậy, một số ao phục vụ tưới, tiêu, điều hòa và phòng chống cháy rừng đã bị san lấp.

Ở Sóc Sơn, trên các diện tích rừng hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên từ nhiều năm nay. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ở Sóc Sơn, trên các diện tích rừng hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên từ nhiều năm nay. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ không thuộc quyền quản lý của UBND huyện mà của Công ty lâm trường Sóc Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng... Những vụ việc vi phạm đất rừng phòng hộ và đặc dụng được nêu trong kết luận của Sở Tài nguyên Môi trường hầu hết là những vi phạm cũ, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ 2006.
Về những vi phạm của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương cùng nhiều hộ gia đình khác, ông Nguyệt cho hay, khi thay đổi công tác cán bộ, ông không nhận được hồ sơ bàn giao từ lãnh đạo nhiệm kỳ trước. UBND huyện không phải là đối tượng trong kết luận thanh tra, còn Công ty Lâm trường Sóc Sơn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nằm ngoài diện quản lý của UBND huyện.
Tuy nhiên, để tháo gỡ, theo ông Nguyệt, từ năm 2006 huyện đã kiến nghị thành phố "cần phải giải quyết từ khâu chính sách". Cụ thể, UBND Hà Nội cần quy hoạch rừng, bao gồm đo đạc, cắm mốc (huyện được giao nhiệm vụ và đang đo đạc, chờ kinh phí cắm mốc); rà soát, đo đạc lại bản đồ địa chính; lập dự án, giao đất giao rừng. Sau khi giao, huyện sẽ xác định chủ rừng cũ là ai, mới là ai, có đúng quy định không, từ đó mới giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Lúc đó rừng được giao mới là hợp pháp và mới có hướng xử lý đối với các diện tích rừng có các công trình xây dựng nêu trong kết luận thanh tra. Trên diện tích ấy nếu làm nhà ở bình thường thì được. Song, nếu làm dự án du lịch, vui chơi thì phải theo quy định của luật", ông Nguyệt nói.
Làm nhà ở "bình thường" ở đây theo ông Nguyệt là xây nhà trong phạm vi 400m2 (diện tích được cấp sổ đỏ là đất ở) trong tổng diện tích đất rừng các hộ được nhận giao khoán, chuyển nhượng. Tuy nhiên, để xây nhà, các hộ phải xin giấy phép xây dựng - thủ tục mà gia đình ca sĩ Mỹ Linh và các hộ dân khác không xuất trình được khi được thanh tra.
Còn nếu cũng diện tích rừng đó nếu muốn chuyển thành dự án du lịch, vui chơi... thì phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan và phải được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép.
Cho rằng nếu gỡ được một trường hợp thì tình trạng xây nhà không phép của hơn 200 hộ dân cũng sẽ xử lý được, nhưng vị Chủ tịch huyện thừa nhận, điều này không đơn giản. "Ví dụ, khu đất của ông Thành Chương là công trình văn hóa vốn xây trên đất trống đồi núi trọc, tới đây, sau thực hiện được quy hoạch nếu ông Chương đủ tiêu chuẩn thì sẽ cho thuê đất để làm dự án", ông Nguyệt cho hay.
Ngày 8/5, UBND huyện Sóc Sơn đã báo cáo với Phó chủ tịch UBND Hà Nội Trần Xuân Việt về việc lập dự án, cấp kinh phí để lập bản đồ địa chính, tiếp tục quy hoạch rừng. Ông Việt yêu cầu huyện và Sở Nông nghiệp phải thống nhất công tác quản lý giao đất giao rừng. Từ đó có báo cáo trình UBND thành phố xem xét, giải quyết.

Những khu nhà kiên cố như thế này đang hiện diện và chia cắt rừng phòng hộ. Ảnh: Nguyễn Hưng
Những khu nhà kiên cố như thế này đang hiện diện và chia cắt rừng phòng hộ. Ảnh: Nguyễn Hưng

Theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mặc dù huyện Sóc Sơn đã thực hiện được cơ bản các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006 nhưng việc hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cấp sai hạn mức đất ở cho người dân vẫn thực hiện rất chậm.
Trước đây, huyện đã cấp sổ đỏ cho 229 hộ gia đình, cá nhân trên đất của Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn được giao quản lý phát triển rừng phòng hộ. Giai đoạn 1990 - 2005, huyện đã cấp sổ đỏ vượt hạn mức 200 m2 cho 123 trường hợp (thay vì 400 m2 huyện đã cấp sổ đỏ hạn mức 600 m2). Các sổ đỏ được cấp vượt hạn mức cho đến nay vẫn chưa hiệu chỉnh xong.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, cán bộ chuyên môn và chính quyền xã, huyện còn cấp đất do Nhà nước giao cho lâm trường quản lý chưa được UBND thành phố phê duyệt đất ở là không đúng với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, quá trình triển khai quy hoạch chi tiết của thành phố về rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn, chính quyền địa phương không chấp hành để quản lý theo hướng giữ nguyên hiện trạng mà tiếp tục cấp sổ đỏ đất ở và vườn liền kề, chính quyền xã vẫn xác nhận việc mua bán chuyển nhượng, đồng thời không có biện pháp ngăn chặn sớm việc xây dựng trái phép trên đất rừng đã quy hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho hay, Sở này cũng đã có văn bản để xin ý kiến chỉ đạo cuối cùng của UBND thành phố.

Rừng đặc dụng được bảo vệ và xây dựng nhằm bảo tồn các hệ sinh thái rừng, các nguồn gen động vật và thực vật rừng, các khu rừng có giá trị về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, nghiên cứu khoa học.

Rừng phòng hộ có tác dụng bảo vệ nguồn nước, điều hòa dòng chảy, hạn chế xói mòn, rửa trôi, chống lũ lụt và hạn hán. Tác dụng phòng hộ là giữ đất, giữ nước, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. 
TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Đọc nhiều nhất

Tin mới