Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ làm gì tiếp theo, sau khi Triều Tiên khoe đã chế tạo được tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng đánh phá bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên quan sát đường bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Ảnh: ABC News |
Phần khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu “đánh phá bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ” là hoàn thiện một thiết bị hạt nhân nhỏ nhẹ để lắp vào ICBM mà không ảnh hưởng đến tầm bắn cũng như khả năng an toàn trở lại bầu khí quyển trái đất.
Để làm được điều đó, các chuyên gia về vũ khí cho rằng Triều Tiên phải thực hiện ít nhất một vụ thử nghiệm hạt nhân khác (vụ thử hạt nhân lần thứ 6) và nhiều cuộc thử nghiệm các tên lửa tầm xa.
Các chuyên gia cho biết, hai ICBM được Triều Tiên thử nghiệm hồi tháng trước đã mang theo trọng tải nhẹ hơn bất kỳ đầu đạn hạt nhân nào mà Bình Nhưỡng hiện có thể chế tạo.
Cách để có đầu đạn hạt nhân nhỏ nhẹ hơn là tập trung chế tạo vũ khí nhiệt hạch (bom H) vì bom H sẽ có sức công phá hơn nhiều, tính theo kích cỡ và trọng lượng.
Theo ông Hans Kristensen - Giám đốc Chương trình Thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm một bom H, nhưng điều này vẫn chưa được kiểm chứng. Ông Kristensen nói: "Điều này sẽ đòi hỏi nhiều vụ thử hạt nhân. Ưu thế của một đầu đạn nhiệt hạch (bom H) là nó có sức công phá mạnh hơn và có trọng lượng ít hơn”.
Giáo sư quan hệ quốc tế Choi Jin-wook tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) và là cựu chủ tịch Viện Thống nhất dân tộc Triều Tiên cho biết, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 sẽ là điều cần thiết để Triều Tiên phát triển ICBM mang đầu đạn hạt nhân. Ông nói: "Một vũ khí hạt nhân có khả năng triển khai phải nhỏ và nhẹ, nhưng Bắc Triều Tiên dường như chưa có công nghệ này”.
Có thể, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm thử hạt nhân mới bởi vì điều này sẽ chọc tức Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên. Rất có thể, Trung Quốc sẽ trừng phạt Triều Tiên về kinh tế nặng nề hơn so với các vụ thử ICBM hồi tháng 7/2017.
Bên cạnh việc phát triển bom H thu nhỏ, một số chuyên gia cho biết các nhà khoa học tên lửa Triều Tiên vẫn chưa làm chủ được công nghệ bảo vệ đầu đạn hạt nhân trước sức nóng và áp suất rất cao khi tên lửa từ vũ trụ trở lại bầu khí quyển trái đất.
Hôm 13/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên sẽ cần ít nhất một hoặc hai năm nữa mới có thể làm chủ công nghệ đưa tên lửa an toàn trở lại bầu khí quyển trái đất.
David Albright, nhà vật lý học và là nhà sáng lập Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Washington, cho biết: "Thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào các tên lửa đạn đạo chỉ là một trong nhiều thách thức đối với ICBM nhằm vào lãnh thổ Mỹ. ICBM phải trở lại bầu khí quyển an toàn và đảm bảo đầu đạn hạt nhân vẫn hoạt động hữu hiệu. Tôi nghi ngờ việc Bắc Triều Tiên đã làm chủ được tất cả các bước này”.
Sau khi Triều Tiên đẩy mạnh tốc độ phát triển vũ khí năm ngoái với nhiều lần phóng thử tên lửa cũng như hai vụ vụ thử hạt nhân vào tháng 1 và tháng 9/2016, một số nhà quan sát đã dự kiến sẽ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào đầu tháng 1/2017.
Thế nhưng, Triều Tiên đã dành hầu hết năm 2017 để kiểm tra nhiều loại tên lửa khác nhau. Sau lần thử nghiệm ICBM đầu tiên và thứ hai trong tháng 7/2017, Triều Tiên đã đe dọa phóng tên lửa vào vùng biển ngoài khơi đảo Guam, một vùng lãnh thổ Mỹ trên Thái Bình Dương.
Ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói Bình Nhưỡng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề hơn của Liên Hợp Quốc (và của cả Trung Quốc), nếu tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa. Ông nói: "Nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6, Trung Quốc sẽ cắt nguồn cung cấp dầu cho Bắc Triều Tiên. Tôi tin rằng Trung Quốc đã mạnh mẽ khuyến cáo Bắc Triều Tiên chớ có tiến hành một vụ thử hạt nhân khác".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn cho rằng khả năng đe dọa Mỹ là điều thiết yếu cho sự tồn tại của chế độ và bản thân ông.
Giáo sư Yoo Ho-yeol tại Đại học Triều Tiên nói: "Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 để buộc Mỹ đi đến đàm phán. Tôi không biết chính xác khi nào, nhưng thử hạt nhân lần thứ 6 là một lựa chọn ít nguy hiểm hơn đối với Triều Tiên hơn việc phóng tên lửa tới đảo Guam".