Sập gụ
Vài chục năm về trước, sập gụ là một trong những đồ nội thất truyền thống. Tuy nhiên, không phải nhà ai cũng có điều kiện để sở hữu nó. Chỉ những gia đình quyền quý, giàu có mới dám sắm bộ sập gụ. Sập gụ là phản gỗ nguyên khối, dùng thay bàn ngồi tiếp khách hoặc để nằm nghỉ ngơi. Sập được chạm khắc tinh xảo, khéo léo với nhiều hoa văn như tùng, cúc, trúc, mai, sông núi, loài vật... cho đến hoạt cảnh đời thường.
Không chỉ chạm khắc tinh xảo, sập gụ còn được làm từ các loại gỗ quý như gụ, trắc, hương...
Tủ chè
Cùng với sập, tủ chè cũng là nội thất không thể thiếu trong nhà đại gia Việt thời xưa. Ngoài việc trưng bày, cất giữ những đồ vật trong gia đình, tủ chè còn có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là làm bàn thờ tổ tiên.
Tủ chè được thiết kế theo hình chữ nhật nằm với hai ngăn tủ có cánh được chạm khắc, khảm trai tinh tế.
Phần bệ tủ chè được khắc rất tinh tế với nhiều họa tiết độc đáo. Các họa tiết trang trí trên cánh tủ, viền tủ được gọt giũa khéo léo, trau chuốt tạo nên từ các nguyên liệu là vỏ con trai sống ở nước ngọt.
Trường kỷ
Với những ngôi nhà làng quê Bắc Bộ, bộ ghế trường kỷ xưa chính là những món đồ nội thất quý giá nhất thời bấy giờ. Điểm nổi bật của bộ trường kỷ xưa là được làm theo những tích cổ xưa cũ, những hình ảnh truyền thống như hình rồng, dáng phượng, hoa sen được chạm trổ tỉ mỉ, trau chuốt.
Mỗi bộ trường kỷ gồm có 2 ghế dài và một bàn. Trường kỷ như một món đồ thân thuộc với nhiều công năng hữu dụng. Khi để uống nước tiếp khách, trở thành bàn ăn khi gia đình đoạn tụ. Với kết cấu nhà ba gian, trường kỷ được kê ngay tại chính diện. Phía sau là bàn thờ gia tiên.
Phản gỗ
Bên cạnh sập, phản gỗ cũng được nhiều gia đình Việt ưa chuộng. Phản gỗ giống với sập ở phương diện mục đích sử dụng: nằm và ngồi. Tuy nhiên, phản không được chạm khắc tinh xảo và nhiều họa tiết cầu kỳ như sập.