Giờ đây, cuộc sống của bà bước sang chặng đường mới. Chặng đường dành cho gia đình, bản thân và sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ bạn bè bằng những kiến thức chuyên ngành nhiều năm trong nghề.
Trong hơn một tiếng đồng hồ trò chuyện, nguyên TBT Thời báo Ngân hàng say mê trải lòng về quá trình từ lúc chân ướt chân ráo vào nghề đến gánh vác vai trò lãnh đạo báo 12 năm. Nhìn lại quãng đường đã qua, nhà báo Lan Anh không giấu được niềm tự hào khi kể về những ngày tháng đồng hành cùng "anh em" - danh xưng thân thương bà nhắc tới các cộng sự tại Thời báo Ngân hàng.
- Ngược về quá khứ một chút, bà có thể chia sẻ câu chuyện bén duyên nghề báo, cũng như bật mí người truyền cảm hứng, dẫn đường bà trong suốt quá trình làm nghề?
Tôi may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm báo. Ông nội tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh, bố tôi làm ở Đài Truyền hình Việt Nam, nên từ bé chị em tôi đã được tiếp cận với máy ảnh, máy quay phim. Tôi còn nhớ như in, ông nội từng hướng dẫn chúng tôi chọn góc như thế nào để ánh sáng tự nhiên có thể đánh vào ven tóc cho đẹp v.v... Và đặc biệt là câu chuyện làm nghề của thế hệ ông cha, cũng như được chứng kiến, lắng nghe các cuộc trao đổi của bố tôi với đồng nghiệp, nghề báo cứ mỗi ngày ngấm vào tâm tưởng của chị em tôi lúc nào không hay. Khi trưởng thành, bố là người định hướng cho tôi thi vào báo chí.
Thời đó, thi vào trường Tuyên giáo Trung ương I (bây giờ là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), thế hệ của tôi có lẽ là lứa đầu tiên tuyển một số ít học sinh, còn lại phần lớn là cán bộ của các đài, báo trung ương và địa phương cử đi học. Từ đó nghề báo đã trở thành nghiệp của tôi đến tận lúc nghỉ hưu. Tôi luôn nghĩ, nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ làm báo!
- Từ những bỡ ngỡ của một cô sinh viên mới ra trường bước chân vào báo ngành ngân hàng, phương châm làm việc xuyên suốt của bà là gì? Phương châm đó được áp dụng thế nào tại Thời báo Ngân hàng dưới thời bà làm TBT?
Nói phương châm thì hơi to tát!
Tôi tâm niệm, được làm nghề đã hạnh phúc rồi. Cho nên, khi còn là phóng viên tôi đã làm nghề rất nghiêm túc và nhiệt huyết. Đến lúc trở thành lãnh đạo báo, tôi cũng luôn nhắc nhở và chỉ đạo anh em phải làm nghề nghiêm túc. Phóng viên yêu nghề sẽ khai thác được ở nhiều khía cạnh mới. Có khi dù chỉ là những con số khô khan nhưng khi biết cách phân tích sẽ tạo ra bài báo thú vị.
- Theo bà, một nữ lãnh đạo sẽ được - mất những gì?
Khó mô tả được bằng lời cái được – mất khi làm một nữ lãnh đạo cơ quan báo chí. Đôi khi có những cái mất lại chính là yếu tố tiền đề tạo ra nhiều cái được khác.
Không thể phủ nhận nữ lãnh đạo khó cân bằng hơn so với nam giới. Đối với nữ lãnh đạo báo chí, muốn cân bằng được giữa công việc và cuộc sống cần sự thông cảm, chia sẻ từ người bạn đồng hành. Tôi vô cùng biết ơn gia đình là chỗ dựa vững chắc để tôi luôn yên tâm làm nghề.
Giao diện Thời báo Ngân hàng thay đổi từ 18/5/2023. |
- Với xu hướng chuyển đổi số trên cả nước và ngành Ngân hàng đã đi tiên phong, vậy theo bà báo chí cần tiếp thu điều gì và vận dụng sáng tạo như thế nào cho phù hợp?
Tôi nghĩ, trong tương lai số hoá nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là một tất yêu và buộc các báo phải có những thay đổi rất căn cơ trong các khâu từ đầu tư đến triển khai, thực hiện.
Với Thời báo Ngân hàng thì đây là cơ hội để phát huy tốt hơn nữa. Việc các ngân hàng áp dụng mục tiêu phát triển ngân hàng số kéo theo số hoá của Thời báo Ngân hàng cũng phải được cải tiến. Điển hình là mới đây, báo Ngân hàng đã thay đổi giao diện gắn kết và gần gũi hơn với bạn đọc.
Đối với báo in, tôi đánh giá cao việc gắn mã QR code nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của bạn đọc trên các thiết bị thông dụng.
- Ở góc độ nguyên lãnh đạo báo chí, bà nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của ngành báo chí nước nhà ?
Xu hướng báo chí đa phương tiện và tòa soạn hội tụ giúp bạn đọc được thưởng thức nhiều loại hình trên cùng một nền tảng và thông tin được cập nhật nóng hổi. Điều đó, buộc mỗi tờ báo phải chuyển mình. Thực tế, mô hình báo chí đa phương tiện không mới lạ, tuy nhiên, để trở thành xu hướng bắt buộc báo chí phải trải qua từng bước một. Thời điểm tôi mới làm nghề hầu như chỉ có báo in. Sau đó, đưa tin bài lên nền tảng online, chúng tôi từng cảm thấy thỏa mãn khi thông tin được cập nhật nhanh 24/7. Hiện tại, báo chí sống động hơn nữa trong xu thế đa phương tiện, đa nền tảng.
Chính sự thay đổi này buộc người lãnh đạo cơ quan báo chí cũng phải đổi mới tư duy, góc nhìn để đưa tờ báo thích ứng đến phát triển bứt phá.
- Cụ thể, người lãnh đạo nên làm gì để đưa cơ quan báo chí vượt khó, thích ứng, thưa bà?
Phần lớn lãnh đạo báo chí hiện nay trẻ và sẵn có sự năng động, nhiệt huyết, thích ứng nhanh nhạy với các xu hướng. Cái khó nhất là phải làm như thế nào để tờ báo có thể trụ được, nuôi được anh em trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Bởi nền kinh tế đang khó khăn thì báo chí cũng không khoẻ được. Dù vậy, tôi vẫn luôn tin rằng “trong cái khó ló cái khôn”, người đứng đầu các tờ báo sẽ tìm ra giải pháp vượt khó, thích ứng và phát triển.
- Còn đội ngũ phóng viên phải làm gì để thích ứng, không bị đào thải?
Phóng viên phải thay đổi từ khâu phát hiện, khai thác đến tác nghiệp để tạo ra tác phẩm vừa phục vụ nhu cầu, vừa hấp dẫn. Xu hướng báo chí đa phương tiện, đa nền tảng hiện nay buộc lực lượng này phải năng động, linh hoạt áp dụng đa phương tiện hay phân tích sâu cho từng vấn đề.
Do đó, phóng viên phải thay đổi mạnh mẽ, bởi họ là đội ngũ trực tiếp sản xuất ra những bài báo hay. Chính những bài báo hay đó mới góp phần xây dựng thương hiệu tờ báo uy tín.
- Đâu là bí quyết giữ chân chất xám, thưa bà?
Phóng viên báo Ngân hàng được rất nhiều tờ báo săn đón, bởi các báo đều có trang kinh tế, tài chính hoặc ngân hàng.. Để giữ chân anh em đồng hành cùng mình phải xuất phát từ hai phía, Phóng viên nhiệt huyết với nghề nhưng lãnh đạo chúng tôi phải cứng rắn trong điều hành, đặc biệt là dám chịu trách nhiệm với những vấn đề mà báo đề cập. Có vậy anh em mới dám lăn xả và hứng thú làm nghề. Tôi biết ơn khi được đồng hành cùng anh em tại Thời báo Ngân hàng trong chặng đường 12 năm làm TBT.
- Sau hơn 3 thập kỷ, làm nghề hẳn đã thành thói quen hàng ngày của bà. Bà đã chuẩn bị gì cho sự dừng lại “thói quen” này?
Tôi dừng đúng thời điểm. Bởi chặng đường dài 12 năm, tôi đã có những đóng góp nhất định với Thời báo Ngân hàng. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện tại, tờ báo đòi hỏi sự phát triển mới. Và sự dừng lại của tôi là khởi đầu cho thế hệ trẻ tiếp nối, đồng thời phát huy sức mạnh, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số để Thời báo Ngân hàng có bước phát triển mới và tốt hơn.
Tôi biết ơn khi được Ban lãnh đạo ngành qua các thời kỳ ủng hộ, đặc biệt đội ngũ từ lãnh đạo toà soạn đến anh em đồng lòng cùng tôi. Tôi nghĩ đó là thành công rồi. Thành công đó là kết quả của tập thể Thời báo Ngân hàng chứ không phải của riêng tôi. Thời báo Ngân hàng thành công, trong đó có niềm vui của tôi cũng như của tất cả anh em.
- Có điều gì khiến bà cảm thấy tiếc nuối khi đến lúc nghỉ hưu mà chưa hoàn thành không?
Điều tôi vẫn băn khoăn là quyết định đổi mới đa phương tiện Thời báo Ngân hàng hơi chậm do vướng dịch Covid-19. Nhưng khi cả nước phải cách ly do dịch, chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau hơn bao giờ hết cả trong công việc lẫn cuộc sống. Thời điểm đó, nhu cầu đổi mới buộc phải “nhường sân” cho việc ổn định toà soạn.
Thôi thì, âu cũng để lại cho thế hệ sau phát huy, ứng dụng nhiều giải pháp mới trong một chặng đường dài phù hợp với xu thế.
- Có khi nào bà thấy nhớ nghề không?
Cuộc trò chuyện này khiến tôi có cảm giác được sống lại với nghề! (cười)
Bây giờ tôi yêu nghề ở một vị trí khác – trở thành bạn đọc. Trước đây, ở vị trí lãnh đạo Thời báo Ngân hàng, tôi đóng vai trò tổ chức và sản xuất nội dung ở cả hai phiên bản báo in và báo mạng. Tuy nhiên, thời điểm này tôi là bạn đọc và đọc báo hàng ngày cũng giúp tôi nạp thêm nhiều kiến thức, bắt kịp thông tin.
- Từ lãnh đạo cơ quan báo chí nay lui về làm người vợ, người mẹ, bà có từng cảm thấy chông chênh, hụt hẫng?
Cũng có nhiều người trêu rằng, tôi phù hợp với nghỉ hưu hơn bởi thấy tôi trẻ trung, tươi tỉnh, tràn đầy sức sống! (cười)
Tôi vui và hài lòng với cuộc sống hiện tại!
Nghề báo là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả. Kể cả về nhà rồi, nhưng vẫn phải kè kè điện thoại, iPad để duyệt bài hay chốt bản in. Công việc luôn luôn phải cập nhật và thường trực , đôi khi có những title bài còn băn khoăn xuất hiện cả trong giấc ngủ.
Chặng đường làm lãnh đạo Thời báo Ngân hàng 12 năm của tôi còn vất vả hơn ở chỗ, tôi công tác ở Hà Nội, gia đình lại ở Thành phố Hồ Chí Minh và 8 năm đi về giữa 2 miền Nam, Bắc. Mãi cho đến khi chồng tôi nghỉ hưu, gia đình mới chuyển về Hà Nội. Bây giờ, thay vì cảm giác hụt hẫng tôi lại thấy mình như được bắt đầu sống một chặng đường mới thảnh thơi, thư thái bên cạnh gia đình.
Có lẽ, phải ở trong vai trò bận rộn suốt chặng đường dài đằng đẵng như thế mới thấy được rằng, bất cứ ai trong hoàn cảnh như tôi đều cảm nhận được sự quý giá của những phút giây thảnh thơi.
- Bà đang tận hưởng cuộc sống hiện tại của mình như thế nào?
Khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thú vui lắm! (cười)
Mọi người cứ hỏi tôi dừng lại công việc có buồn không? Tôi chưa cảm thấy buồn hay chông chênh một chút nào.
Tôi thích cuộc sống chậm hiện tại. Tôi cho phép bản thân ngủ dậy muộn, thảnh thơi ăn sáng, cà phê xong cũng đến 9-10 giờ sáng. Mỗi ngày tôi đi bộ 2 lần, mỗi lần 40 phút. Tuần đi bơi 3 buổi. Mỗi tháng hai vợ chồng lại tìm một tour du lịch trong nước ngắn ngày.
Tôi còn có thú vui đọc truyện, xem phim đến 11-12 giờ đêm. Đặc biệt tôi đam mê thể loại truyện dịch, phải là truyện giấy in. Có những cuốn truyện tôi đọc đi đọc lại đến lần thứ ba, nhớ cả đoạn mình thích ở trang nào.
Ngoài ra, giờ có nhiều thời gian hơn, thú vui của tôi là tư vấn cho bạn bè, người thân chọn ngân hàng nào gửi tiết kiệm, kỳ hạn bao lâu… để vừa tăng thu nhập lại đảm bảo yếu tố an toàn. Và như vậy, vai trò cầu nối vẫn được duy trì.
- Theo bà, như thế nào là một cuộc sống hoàn hảo?
Không có cái gì hoàn hảo!
Có niềm vui này thì cũng có những lo lắng khác, đấy mới là cuộc sống.
Ai cũng phải trải qua lo toan, sắp đặt, hành động để cảm thấy niềm vui thực sự ý nghĩa. Mình cứ hài lòng với hiện tại là vui và hạnh phúc rồi.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!