Báo Tri Thức và Cuộc sống là cơ quan báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, được thành lập theo Giấy phép hoạt động báo chí số 536 ngày 19/11/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông; theo Quyết định số 1306 ngày 07/12/2020 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trên cơ sở sáp nhập 4 cơ quan báo chí: Khoa học và Đời sống, Đất Việt, Tầm Nhìn và Kiến Thức, do thực hiện quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362 ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Ngày 27/4, Lễ ra mắt Báo Tri thức và Cuộc sống đã chính thức được tổ chức.
Tại buổi lễ ra mắt, nhà báo Đinh Thị Lan Anh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống đã có bài phát biểu xúc động, tâm huyết và chân tình.
Trong bài phát biểu, nhà báo Đinh Thị Lan Anh đã điểm lại những mốc son huy hoàng của Báo Khoa học & Đời trong hơn 60 năm phát triển, những câu chuyện làm báo của thế hệ đi trước. Cũng trong buổi lễ, nhà báo Đinh Thị Lan Anh tin tưởng Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ phát triển vững mạnh.
Báo Tri thức và Cuộc sống xin đăng tải bài phát biểu đầy xúc động và chân thành của nhà báo Đinh Thị Lan Anh:
Lớp cán bộ, phóng viên của Báo Khoa học & Đời sống thời chúng tôi hay thời kế cận hầu hết đều làm báo từ khi vào báo cho tới lúc nghỉ hưu, thời chúng tôi ít có sự dịch chuyển nên chúng tôi rất gắn bó với tờ báo.
Nhà báo Đinh Thị Lan Anh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống phát biểu tại Lễ ra mắt Báo Tri thức và Cuộc sống ngày 27/4/2021. |
Tôi đã có 26 năm làm Báo Khoa học thường thức (từ Khoa học thường thức sau chuyển thành Khoa học và Đời sống). Điều tôi tự hào nhất là tờ báo đã được những bậc khoa học tiền bối tâm huyết với sự nghiệp mở mang dân trí xây dựng và phát triển từ những ngày đầu tiên.
Đó là ba chủ nhiệm đầu tiên của báo: GS. Nguyễn Xiển tự học thi Tú tài Tây, đỗ đầu Tú tài năm 1927, được cấp học bổng sang Pháp học. Năm 1930, ông đỗ liền 3 bằng Cử nhân: Toán vi phân, tích phân, Toán đại cương, Cơ học; sau đó lại đoạt thêm bằng Cử nhân hạng tối ưu về Vật lý. Khi về nước, ông không chịu làm quan “lương cao bổng hậu” theo đề nghị của chính phủ Nam triều ở Huế mà ra Hà Nội dạy học. Nhưng khi Hồ Chủ tịch đích thân mời ông hợp tác với chính quyền cách mạng, ông đã nhận lời.
Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, GS. Nguyễn Xiển, Đại biểu Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội; Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam; Tổng thư ký Đảng Xã hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được bầu là Chủ tịch Hội phổ biến Khoa học kỹ thuật Việt Nam; kiêm Chủ nhiệm đầu tiên của Báo Khoa học thường thức. Ông là nhà khoa học đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
Chủ nhiệm thứ hai là GS. Lê Khắc, ông nguyên là Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Tháng 2/1980, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ông cũng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và là Đại biểu Quốc hội khóa VII...
Chủ nhiệm thứ ba là GS.VS. Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ) sinh ngày 13/9/1913, ông được học bổng sang Pháp du học vào năm 1935. Ông đã tốt nghiệp và cùng lúc nhận cả ba bằng đại học: kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học của những trường đại học danh tiếng nhất thời đó ở Paris.
Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm bằng kỹ sư hàng không và kỹ sư mỏ. Tốt nghiệp các trường, ông ở lại Pháp làm việc đồng thời tiếp tục tự nghiên cứu chế tạo vũ khí - ngành và lĩnh vực mà chính quyền Pháp cấm tuyệt đối không dạy cho sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các nước thuộc địa.
Năm 1942, ông sang Đức làm việc tại xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Tháng 5 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp thương thuyết với Bộ trưởng thuộc địa Pháp. Với lòng yêu nước thiết tha, ông đã cùng kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Tai - Mũi - Họng Trần Hữu Tước, từ bỏ cuộc sống giàu sang, lương bổng lớn theo Bác Hồ trở về Tổ quốc để tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và là Chủ tịch đầu tiên của Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiêm chủ nhiệm Báo Khoa học & Đời sống.
Ba chủ nhiệm đều là những nhà khoa học lỗi lạc, có nhiều cống hiến với đất nước, được sử sách ghi danh, là niềm tự hào của những người làm Báo Khoa học chúng tôi.
Báo cũng tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học là các chuyên gia đầu ngành ở mọi lĩnh vực như nông nghiệp có: nhà nông học Lương Đình Của, GS. Đào Thế Tuấn, GS. Bùi Huy Đáp; khoa hoc cơ bản có: GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Tụy, GS. Nguyễn Cảnh Toàn, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS. Đào Vọng Đức, GS. Lân Dũng; y học có: bác sĩ Vũ Đình Tụng, BS. Nguyễn Khắc Viện, BS. Lã Vĩnh Quyễn, dược sĩ Đỗ Tất Lợi…
Các bài báo dù ngắn như câu giải đáp cũng luôn có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học; hàm lượng khoa học trong mỗi bài báo luôn được ban biên tập đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy mà tờ báo có chỗ đứng, có độc giả, được mọi người tin yêu và lưu giữ, coi đó là một cẩm nang khoa học.
Trải qua hơn 60 năm tồn tại, báo đã vượt qua nhiều chặng đường gian nan của thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thời kỳ bao cấp, thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mỗi thời lại có những khó khăn riêng, thử thách riêng.
Tôi nhớ lại thời sơ tán tránh bom đạn Mỹ, báo phải sơ tán về huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú. Đây là vùng trung du, dân cư thưa thớt mà trai tráng đi bộ đội hết, một hai nhà dân ở một quả đồi, mỗi gia đình cán bộ tòa soạn ở nhờ một nhà dân, mọi người trở nên thân quen, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Tôi có con trai 3 tuổi và bà chị họ cùng đi, chúng tôi ở nhà mẹ con chị Đắc. Một hôm tôi đi công tác xa, đêm đó trời có giông bão to làm đổ mái nhà, may là anh Quý, anh Cư trong tòa soạn cùng dân địa phương kịp sang giúp đỡ gỡ mái che đưa cả hai gia đình sang trú nhà khác, chúng tôi phải một phen hú vía.
Những năm 60 tòa soạn còn nghèo không có điện thoại, không có máy phát điện phải dùng đèn dầu, nước giếng. Tòa soạn chỉ đem theo một máy đánh chữ, một xe mô tô hai bánh. Mỗi lần về tòa soạn họp, chúng tôi phải đạp xe đạp sáu, bảy chục cây số, lại còn đèo thêm gạo, thực phẩm, dầu hỏa… cho gia đình sơ tán ở đây và còn phải ra đi từ 3-4 giờ sáng để tránh máy bay địch oanh tạc trên đường.
Tuy vậy chúng tôi vẫn đảm bảo báo ra đúng kỳ, đảm bảo đi địa phương, đi chiến trường phản ánh tình hình. Sau mỗi buổi họp tòa soạn, các phóng viên lại rong ruổi trên những con ngựa sắt của mình tới các làng xã, doanh nghiệp có phong trào áp dụng kinh nghiệm, sáng kiến mới nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc hoặc nơi có phong trào xây dựng nông thôn mới làm bếp cải tiến, làm nhà tắm, đào giếng lấy nước không dùng nước ao...
Hai phóng viên Hoàng Lộc và Tuyết Phương của báo đã tham gia hai chuyến đi vào vùng chiến sự, năm 1967 cùng cán bộ Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật đi thực tế chiến trường Miền Trung.
Giao thông bị đánh phá ác liệt, đoàn phải đi bằng xe đạp theo đường Trường Sơn, lưng đeo ba lô, vai đeo túi gạo mọi người phải trèo đèo, lội suối mà đi, có đoạn đường lầy lội còn phải vác xe lên vai, có đi mới thấu hiểu được gian nan của bộ đội vượt Trường Sơn đi cứu nước.
Chị Phương đã kể lại: năm 1979 chiến tranh biên giới nổ ra, chị cùng anh Hoàng Lộc theo đoàn Báo Quân đội lên Lạng Sơn, chị đã gặp một tốp chiến sĩ đang thu nhặt thi hài các chiến sĩ hy sinh. Những vết máu loang còn đó, có cả vết máu của phóng viên Katanô người Nhật hy sinh khi đang tác nghiệp. Khi còn chiến tranh, niềm mong ước lớn nhất của mọi người là hòa bình sớm lập lại nhưng hết chiến tranh lại gặp bài toán cam go chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Từ năm 1984 trở đi xóa bỏ dần bao cấp. Số lượng báo xuất bản ngày một nhiều mà ngân sách nhà nước thì có hạn, không thể bao cấp giá giấy được nữa đành thả nổi.
Các báo bắt đầu bị chóng mặt vì sóng gió thị trường do giấy báo phải nhập tăng giá bất kể thời điểm nào, mà báo lại bán qua bưu điện tiền thu từ đầu quý rồi không thể tăng được nên lỗ là cái chắc.
Bên cạnh yếu tố giá cả còn xuất hiện thêm yếu tố cạnh tranh do xuất hiện thêm nhiều tờ báo mới thu hút bạn đọc, làm báo ta mất đi một lượng đáng kể bạn đọc, nguy cơ phải đóng cửa đe dọa cận kề.
Tòa soạn trăn trở tìm kế sách để tờ báo tồn tại và phát triển. Sau khi bàn đi tính lại kỹ lưỡng thì năm 1986, tòa soạn đã đưa ra hai quyết định:
Mở cửa hàng văn hóa phẩm bán báo, sách, truyện, tòa soạn huy động mọi người tham gia quản lý và thay nhau bán hàng.
Xuất bản phụ san nhất thời với chất lượng hay, bìa đẹp 4 màu, khuôn khổ tạp chí, mở đầu là Hỏi đáp khoa học tập I, bán theo giá thị trường cao hơn giá báo chính.
Có chuyện vui là bìa 4 chúng tôi muốn bố trí một ảnh đẹp, bắt mắt bạn đọc, họa sĩ đưa ra ảnh một cô gái mặc áo tắm 2 mảnh, ngồi trên bờ biển với thân hình thon gọn, hấp dẫn.
Ảnh đẹp nhưng chúng tôi băn khăn là đưa lên có sợ bị phê phán là đưa ảnh ăn mặc hở hang không? (Nên nhớ rằng hai năm sau: tháng11 năm 1988 báo Tiền Phong mới tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta, từ đó người đẹp mặc áo tắm mới lên báo rộng rãi).
Tôi mang ảnh cô gái mặc áo tắm đó tới gặp Chủ nhiệm báo là Giáo sư Lê Khắc (cụ là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trực tiếp chỉ đạo báo) xin ý kiến, cụ cười bảo tôi ảnh đẹp thì đưa có sao đâu, thế là tôi yên tâm cho in.
Sáng hôm ấn phẩm in ra, cả tòa soạn lo lắng, hồi hộp chờ kết quả. Đến trưa, anh Phụng ở ban trị sự theo dõi phát hành loan tin: "Phụ san giao đến đâu các đại lý bán hết đến đó, họ muốn đặt mua thêm. Có điều đặc biệt là các đại lý đều bày bìa 4 có ảnh cô gái ra mặt ngoài, vì bạn đọc thích hình đó!”.
Phụ san in 10 vạn bản mà không đủ nhu cầu của các đại lý, thấy vậy tòa soạn đã tái bản lần thứ hai 10 vạn bản nữa. Sau thắng lợi này, tòa soạn vững tâm ra tiếp các phụ san khác, chỉ tiêu giấy in của báo có hạn (khi đó giấy in báo phải nhập tốn ngoại tệ nên hàng năm Bộ Văn hóa cấp chỉ tiêu mua giấy in cho các báo), tòa soạn phải liên doanh, liên kết với các cơ quan khác (không sử dụng hết chỉ tiêu) để có đủ giấy in phụ san.
Còn cửa hàng thì cũng thành công không ngờ vì lúc này sách truyện trên thị trường còn khan hiếm, tòa soạn đã liên hệ thẳng với các nhà xuất bản đặt mua sách truyện hay về bán, người đến mua đông, kể cả đầu nậu cũng tới mua đưa đi các tỉnh bán.
Như vậy Báo Khoa học và Đời sống đã hoạt động kinh tế khá sớm so với các báo khác. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được sống bằng nghề không còn lo chân ngoài dài hơn chân trong nữa!.
Hôm nay tôi kể dông dài chuyện xưa là muốn minh chứng một điều đội ngũ làm Báo Khoa học và Đời sống đã sống hết mình vì tờ báo, vì sự nghiệp mở mang dân trí, say mê nghề báo nên không ngại khó, ngại khổ, khi gặp những thử thách khắc nghiệp họ đã năng động sáng tạo đưa ra những giải pháp đột phá.
Tờ báo được bạn đọc cả nước tin yêu, được Đảng và Nhà nước ghi công tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất và 1 Huân chương Độc lập hạng Ba.
Hôm nay Báo Tri thức và Cuộc sống ra đời và Báo Khoa học & Đời sống là một trong 4 thành viên hợp thành, như vậy là trong ngôi nhà chung có cả báo in và báo điện tử, mỗi báo có những ưu việt riêng nếu khéo biết kết hợp sẽ phát huy được thế mạnh từng báo và nhân lên kết quả chung.
Tôi tin các bạn sẽ thành công, vì hơn bao giờ hết thời đại cách mạng 4.0 và kỷ nguyên số hoá càng cần phải nâng cao dân trí để người dân cập nhập kiến thức về những kỹ thuật mới ngày một nhiều, một nhanh trong cuộc sống hàng ngày, như tôi ở nhà thường kèm các cháu học cấp một nhưng tôi lại phải học các cháu về máy tính, về điện thoại thông minh, đúng là người ta phải học suốt đời.
Tôi xin chúc Báo Tri thức và Cuộc sống ngày một đoàn kết, sáng tạo và lớn mạnh không ngừng, xin chúc các vị đại biểu và các bạn đồng nghiệp sức khoẻ và hạnh phúc.