Theo đó, ngày giao dịch cuối cùng cổ phiếu HNM tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là 11/6/2020.
Theo thống kê của Sở, tính đến ngày 22/4/2020, HNM đã chậm nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán 3 năm liên tiếp từ 2017 đến năm 2019, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết.
Trước yêu cầu giải trình của Sở về nguyên nhân bị huỷ niêm yết, Hanoimilk vẫn chưa lên tiếng. Do đó, HNX quyết định hủy niêm yết cổ phiếu HNM.
Được thành lập từ năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm, Hanoimilk từng là một trong những "ông lớn" của ngành sữa Việt Nam.
Giai đoạn 2006-2007 được xem là thời hoàng kim khi dòng sản phẩm IZZI của Hanoimilk chiếm lĩnh thị trường nội địa. Năm 2007, doanh thu của công ty này đạt gần 340 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế 12 tỷ.
Sau giai đoạn thành công với thương hiệu IZZI, Hanoimilk còn tính đến việc đa dạng danh mục sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu lớn trong và ngoài nước ở dòng sữa bột, sữa đặc có đường và nước ép trái cây.
Tuy nhiên, "biến cố melamine" năm 2008, những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả và kế hoạch ra đời hàng loạt thương hiệu mới nhưng không vượt qua được cái bóng của IZZI đã khiến kết quả kinh doanh của Hanoimilk trồi sụt những năm sau đó.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Hanoimilk mỗi năm mang về trên 300 tỷ đồng, nhưng 5 năm gần nhất, quy mô doanh thu đã giảm chỉ còn hơn một nửa. Dù đã cắt giảm hàng loạt các khoản chi phí, song lợi nhuận cũng chỉ loanh quanh mốc vài tỷ đồng mỗi năm. Thậm chí năm 2017 thua lỗ tới gần 19 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Hanoimilk những năm gần đây (nguồn VietstockFinance) |
Còn báo cáo kiểm toán bán niên 2018 ghi nhận hơn một nửa tài sản công ty bị nghi ngờ về tính hiện hữu, khả năng thu hồi. Theo đơn vị kiểm toán, hơn 100 tỷ đồng Hanoimilk trả trước cho người bán và tạm ứng cho nhân viên đã nghỉ việc không thể thu được bằng chứng xác định khả năng thu hồi, hơn 165 tỷ đồng hàng tồn kho cũng bị nghi ngờ về tính xác thực.