Gần 20 nhà khoa học hàng đầu ở Mỹ, Anh, Pháp, Nam Phi và Ấn Độ, cùng với các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đã cùng nhau công bố các đề xuất chỉ ra rằng đây không phải là thời điểm để thực hiện tiêm mũi thứ 3 vắc xin COVID-19 trên diện rộng.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng 2 liều vắc xin vẫn có thể ngăn ngừa và bảo vệ hiệu quả mọi người khỏi tình trạng bệnh nặng với COVID-19. Đồng thời, họ cũng cho biết, do không có đủ bằng chứng khoa học để ủng hộ việc tiêm phòng nhắc lại, việc tiêm sớm mũi thứ 3 có thể làm tăng tác dụng phụ của vắc xin như làm viêm cơ tim và các bệnh thần kinh hiếm gặp.
Theo báo cáo từ Forbes, Associated Press và các phương tiện truyền thông nước ngoài khác, 18 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cùng công bố các đề xuất mới trên tạp chí nổi tiếng quốc tế "Lancet" vào ngày 13/9.
Trong báo cáo này, chuyên gia nhấn mạnh, đây chưa phải là lúc mở rộng đợt tiêm nhắc lại lần thứ 3. Nguyên nhân chủ yếu tập trung vào 6 điểm chính sau đây:
Đầu tiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng mặc dù có nhiều nghiên cứu về các biến thể COVID-19 và độ bền của khả năng bảo vệ vắc xin, nhưng nhiều nghiên cứu vẫn chưa được xem xét bởi các đồng nghiệp và các chi tiết liên quan có thể bị sai sót.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tập trung vào một số kết quả nghiên cứu, hầu hết kết quả đều nhất quán rằng 2 liều vắc xin vẫn có thể bảo vệ hiệu quả mọi người khỏi bị bệnh nặng khi nhiễm COVID-19. Mặc dù hầu hết các loại vắc xin ít hiệu quả hơn trong việc bảo vệ mọi người khỏi các triệu chứng của biến thể Delta so với biến thể Alpha, chúng vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng có triệu chứng và bệnh nặng nói chung.
Thứ hai, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng không có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng phổ cập mũi 3 nên được mở rộng ngay bây giờ, vì khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại bệnh nặng vẫn còn cao. Hơn nữa, không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng theo thời gian, 2 liều vắc xin hiện tại sẽ suy giảm tác dụng bảo vệ trầm trọng.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cơ thể con người có nhiều lớp bảo vệ miễn dịch, mọi người rất lo ngại rằng nồng độ kháng thể sẽ giảm theo thời gian nên mới muốn tiêm mũi thứ 3. Tuy nhiên, mức độ kháng thể giảm dần không có nghĩa là hiệu quả bảo vệ tổng thể giảm do tác dụng bảo vệ của vắc xin COVID-19 không chỉ dựa trên phản ứng kháng thể, mà còn được kích hoạt bởi đáp ứng trí nhớ miễn dịch và miễn dịch qua trung gian tế bào, nên tác dụng bảo vệ sẽ được kéo dài hơn.
Các nhà khoa học cũng chia sẻ, hiện tại các chủng biến thể vẫn chưa phát triển đến giai đoạn chúng có thể thoát khỏi phản ứng trí nhớ miễn dịch do vắc xin tạo ra.
Thứ ba, các nhà khoa học cảnh báo rằng việc mở rộng tiêm phổ cập mũi tiêm thứ 3 quá sớm hoặc quá thường xuyên có thể gây ra tác dụng phụ cho mọi người, tăng tỷ lệ mắc viêm cơ tim, hội chứng rối loạn thần kinh Barre (GBS) và các bệnh lý thần kinh hiếm gặp khác.
Thứ tư, các nhà khoa học chỉ ra rằng mặc dù ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, vắc xin được dùng để chống lại COVID-19 có triệu chứng và khiến sự lây lan của virus kém hiệu quả hơn. Thế nhưng quần thể không được tiêm chủng vẫn là lý do chính cho sự lây lan tiếp tục của Sars-CoV-2. Đồng thời, đây cũng là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất.
Thứ năm, khi đáp ứng miễn dịch do vắc xin gây ra giảm hoặc các biến thể COVID-19 tiếp tục phát triển, các vắc xin hiện có không còn có thể bảo vệ đầy đủ nữa. Các nhà khoa học thú nhận rằng toàn bộ dân số thế giới có thể cần liều vắc xin thứ 3 trong tương lai, nhưng không phải thời điểm hiện tại. Họ cảnh báo rằng khi virus tiếp tục lây lan, sẽ có nhiều cơ hội để chúng đột biến và không còn bị kháng vởi vắc xin hiện tại.
Thứ sáu, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc quảng bá việc tiêm mũi thứ 3 mà không có dữ liệu và phân tích hỗ trợ một cách chi tiết và đầy đủ có thể làm suy giảm niềm tin của người dân vào vắc xin.
Mời quý độc giả xem video: Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Nguồn: VTV4