Như đã đăng tải bài viết: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Loss Weight Phục Linh Collagen chứa chất cấm Sibutramine", thời gian qua, liên tiếp nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) được quảng cáo là thực phẩm có công dụng giảm cân “thần tốc”, lưu thông thời gian dài trên thị trường, bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thu hồi, cấm lưu hành hàng loạt sản phẩm TPBVSK vì có chứa chất Sibutramine.
Tác hại khôn lường của Sibutramine
Trao đổi với phóng viên, TS Phan Thế Đồng, phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP HCM cho biết nhiều thông tin rất đáng chú ý về chất Sibutramine.
Một loại thực phẩm giảm cân chứa chất cấm Sibutramine, quảng cáo trên mạng |
Tuy nhiên, sử dụng loại thực phẩm giảm cân chứa thành phần Sibutramine dẫn tới các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu, mặt nóng ran... Dùng lâu ngày dẫn đến rủi ro cao hơn cho sức khoẻ như bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến, có thể dẫn tới đột tử, tử vong cao. Chính vì vậy, đa số các nước Châu Âu đã cấm không cho phép lưu hành, sử dụng Sibutramine trong điều trị bệnh theo phương pháp Tây y. Thế nhưng nhiều sản phẩm TPBVSK tại thị trường Việt Nam cho thấy chứa chất cấm Sibutramine.
Cùng trao đổi về tác hại của Sibutramine, bác sĩ Nguyễn Doãn Thành, nguyên cán bộ Khoa Vệ sinh lao động nghề nghiệp – Viện Y tế công cộng TP HCM cho biết, chất cấm Sibutramine trước đây được bán dưới tên thương hiệu Meridia. Từ 2010, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và nhiều quốc gia như Ấn Độ, Singapore....đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có Sibutramine.
Cục Quản lý Dược, bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất này |
Tại Việt Nam, cục Quản lý Dược, bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất này vì nó có quá nhiều tác dụng gây hại cho sức khoẻ con người.
Phân tích kỹ hơn về tác hại của thuốc giảm cân chứa Sibutramine, các nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, chất này lại gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%). Sibutramine nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
Người dùng nên thận trọng trước những quảng cáo viên uống giảm cân "thần tốc", "tức thì". |
TS Phan Thế Đồng khuyến cáo, không nên dùng các loại thực phẩm giảm cân quảng cáo là giảm cân “thần tốc”, "tức thì" chỉ trong vài tuần sử dụng. Thực phẩm giảm cân chủ yếu sản xuất dưới dạng viên nang, viên nén, với các thành phần cấu tạo đơn thuần không thể có công dụng giảm cân nhanh chóng như quảng cáo, nếu không sử dụng thêm tân dược Sibutramine gây ức chế hệ thần kinh, hoặc ức chế chuyển hoá chất trong cơ thể làm giảm cân. Người tiêu dùng không nên tin và sử dụng gây nguy hại cho cơ thể. Để giảm cân, tốt nhất nên áp dụng chế độ tập luyện và ăn uống điều độ, không tự mua dùng thuốc giảm cân đang bán tràn lan trên thị trường, gây nguy hiểm tính mạng.
Đối mặt với “án tử” vì uống viên giảm cân
Thông tin từ phía các Bệnh viện trên địa bàn TP HCM cho biết, đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị suy đa cơ quan, suy thận, tim mạch do lạm dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc.
Người bệnh phải lọc máu, chạy thận do sử dụng viên uống giảm cân, đang được bác sĩ Bệnh viện Bình Dân theo dõi sức khỏe- Ảnh: BVCC |
Tại Bệnh viện Bình Dân đã từng tiếp nhận và cấp cứu cho Bệnh nhân T.T.M.N (22 tuổi, ngụ Bình Dương), do mặc cảm vì cân nặng nên đã mua 250 viên thuốc giảm cân "thần tốc" và dùng liên tục trong một tháng. Sau thời gian đầu dùng thuốc, nữ bệnh nhân đã giảm được khoảng 6kg. Tuy nhiên, sau đó cơ thể chị N. lại thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, thậm chí kiệt sức. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chân, tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, suy đa cơ quan, cơ thể có nhiều biểu hiện đe dọa tính mạng. Mặc dù đã được cứu sống, nhưng chức năng thận của bệnh nhân này đã không hồi phục do những tổn thương vĩnh viễn, phải chạy thận lọc máu định kỳ 3 lần/tuần.
Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cũng đã cấp cứu nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa cơ quan do giảm cân bằng thuốc viên, trà hoặc bột không rõ thương hiệu. Điều cần lưu ý là tình trạng suy thận diễn tiến rất nhanh chỉ sau khoảng hơn một tháng sử dụng các sản phẩm trên. Nhiều trường hợp bị tổn thương thận không hồi phục, phải khám và chữa định kỳ tại bệnh viện.
Lỗ hổng trong cấp phép?
Những trường hợp trên là minh chứng cụ thể nhất cảnh báo tới các “tín đồ” muốn giảm cân, nếu muốn giảm cân chỉ nên sử dụng các sản phẩm có thành phần, xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, và cần có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ.
Dù đã bị cấm sử dụng điều trị bệnh, nhưng chất cấm Sibutramine lại qua mắt cơ quan chức năng, hiện diện trong nhiều loại TPBVSK giảm cân |
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, Sibutramine gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và đã bị cấm sử dụng trong điều trị bệnh, nhưng tại sao nhiều sản phẩm thực phẩm giảm cân chứa chất Sibutramine vẫn xuất hiện và lưu thông, qua nhiều kênh phân phối, nhất là đang bán tràn lan trên mạng để tới tay người tiêu dùng?
"Áo giáp" bảo vệ người tiêu dùng chính là các đơn vị quản lý, cụ thể là Cục ATTP (Bộ y tế) và các cơ quan liên quan trong việc cấp số đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm, giấy phép nhập khẩu, lưu hành, phân phối cho các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm nhập khẩu. Do vậy, không thể kéo dài mãi tình trạng, khi người tiêu dùng mua phải sản phẩm có chứa chất cấm, sử dụng gây tai biến phải nhập viện, cơ quan chức năng mới đi lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích, chỉ đạo thu hồi, tiêu huỷ… Khi đó, người tiêu dùng đã lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
Thu hồi, cấm lưu hành hàng loạt sản phẩm TPBVSK chứa chất cấm Sibutramine
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Loss Weight Phục Linh Collagen có chứa chất cấm Sibutramine.
Đầu năm 2022, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cảnh báo đến người tiêu dùng về việc phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm Sibutramine, gồm: TPBVSK Lady slim, số lô: 190715; NSX: 20/6/2019; HSD: 19/6/2022. Sản phẩm này được sản xuất tại Công ty cổ phần Truepharmco. Công ty CP thiết bị y tế Fitness store (Cổ điển A, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) phân phối.
TPBVSK Kisu, số lô: 170120; NSX: 14/01/2020; HSD: 14/1/2023, sản xuất tại Công ty cổ phần dược phẩm trung ương VIHECO. Công ty TNHH thương mại thực phẩm Nam Phát (268 Trương Vĩnh Ký, P. Tân Thành, Q. Tân Phú, TP. HCM) phân phối.
TPBVSK Super African Mango 1200- NV.M250; số lô: 01160044; HSD: 08/2022. Công ty CP kinh doanh và phát triển Thiên Phát (19/38 Võ Văn Ngân, P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức, TPHCM) nhập khẩu.
TPBVSK seven days - NV.M253; số lô: 202021109; NSX: 09/11/2020; HSD: 08/11/2023, Công ty Cổ Phần XNK & TBYT Lee Nguyễn (267 Hồ Tùng Mậu, P. Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập khẩu.
TPBVSK Diamond slim - NV.M168; số lô: 20L366; HSD: 01/2024, Công ty TNHH thiết bị y tế Hoa Anh Đào (Xóm 4 thôn Hải Bồi, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Việt Nam) nhập khẩu.