Theo Wall Street Journal, chán ngán với giới tinh hoa, cử tri Philippines vừa qua đã quay sang bỏ phiếu cho một "người ngoại đạo" đầy cá tính, mạnh mẽ... Tân Tổng thống Duterte là một người có quá khứ lẫy lừng, xông xáo và có tiếng là hay xúc phạm tới phụ nữ, người nước ngoài và giáo hoàng. Ông nghi ngờ cả các đồng minh và tuyên bố sẽ cắt quan hệ với các đối thủ. Liệu ông thể là một nhà lãnh đạo gây bất ổn không? Hay trách nhiệm sẽ giúp ông tự kiềm chế?
Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte phát biểu trước những người ủng hộ. Ảnh: EPA/TTXVN |
Các đồng minh Mỹ đã trăn trở với các câu hỏi này khi họ theo dõi ứng cử viên trong nước Donald Trump và giờ lại đang đặt ra những câu hỏi tương tự đối với đồng minh quan trọng Philippines- nước vừa bầu một thị trưởng với những phát ngôn gây sốc Rodrigo Duterte vào vị trí tổng thống trong nhiệm kỳ 6 năm. Quan hệ hợp tác với Philippines chủ yếu là nhằm kiểm soát những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, song ông Duterte dường như lại đang muốn điều chỉnh theo Bắc Kinh.
Năm 2013, Philippines đệ đơn lên tòa án Liên hợp quốc, thách thức tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc đối với hầu khắp diện tích Biển Đông. Trung Quốc đã phản ứng kịch liệt, song Manila không từ bỏ vụ kiện. Phán quyết dự kiến được đưa ra trong vài tuần tới và tiên đoán sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Điều gì khiến quan điểm của ông Duterte về vấn đề này lại khác biệt như vậy. Hồi tháng 3/2016, ông nói: “Tôi có quan điểm tương tự Trung Quốc. Tôi không tin vào cách giải quyết xung đột thông qua trọng tài quốc tế. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không tuân thủ bất cứ phán quyết nào của tòa”.
Đây là chỗ mà tính cách nổi tiếng của ông Duterter có thể thể hiện rõ. Là thị trưởng thành phố Davao vốn nhiều tệ nạn, ông được đặt biệt danh “Harry Bẩn” vì đã ủng hộ các đội dân phòng giữ gìn trật tự. Ông thường nói tới luật pháp và trật tự, song thường chú trọng trật tự hơn là luật pháp. Do đó dường như có thể khẳng định rằng ông vứt bỏ niềm tin của chính quyền hiện thời rằng luật pháp quốc tế có thể là “sự đảm bảo cân bằng tuyệt vời”, hay ít ra là một sự phòng vệ bất cân xứng cần thiết chống lại Trung Quốc.
Ông Duterte đặt niềm tin của mình vào nghệ thuật thương thảo. Trong kỳ tranh cử, ông nói về Trung Quốc: “Hãy xây cho chúng tôi đường sắt như đã xây ở châu Phi và hãy gạt bỏ những bất đồng đi”. Đôi khi ông nói mạnh, như hứa sẽ đi mô tô nước và cắm cờ lên một hòn đảo đang tranh chấp, song phần lớn ông tuyên bố để ngỏ cho đối thoại song phương và cùng phát triển nguồn lực với Bắc Kinh. Điều đó sẽ phá vỡ chính sách hiện thời và lặp lại những thất bại trong quá khứ.
Năm 2004, Manila và các nước láng giềng làm thành một khối đàm phán với Trung Quốc, không để cho nước này lợi dụng đàm phán song phương để chia rẽ và áp đảo. Tổng thống khi đó là Gloria Arroyo đã có một thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh về việc cùng thăm dò vùng biển của Philippines, bao gồm các vùng mà Bắc Kinh chưa tuyên bố chủ quyền. Thỏa thuận này cuối cùng đã thất bại khi bà Arroyo phải đối mặt với những cáo buộc về tham nhũng, bao gồm các khoản lại quả từ các công ty của Trung Quốc, vì thế sau đó bà đã bị bắt. Sự việc khiến ngoại giao khu vực tê liệt trong nhiều năm, có lợi cho Bắc Kinh.
Ông Benigno Aquino lên nắm quyền năm 2010, nhấn mạnh tới hợp tác song phương, cũng rất giống ông Duterte hôm nay. Ông đã rút phái viên của Manila khỏi lễ trao giải Nobel vì nhân vật bất đồng chính kiến của Trung Quốc Lưu Hiểu Ba được trao giải, cùng nhiều động thái khác. Song các tàu Trung Quốc ngay sau đó lại dồn đuổi một tàu khảo sát của Philippines khỏi Bãi Cỏ rong (Reed Bank) nằm trong vùng lãnh hải của Manila, rồi tới năm 2012 thì chiếm bãi cạn Scarborough.
Ông Duterte nên xem lại thời lịch sử này. Theo nhà ngoại giao cấp cao của Philippines Albert Del Rosario, Chính quyền Aquino ban đầu đã có một văn bản ghi nhớ với Bắc Kinh, trong đó nói rằng các tranh chấp trên biển không phải là “toàn bộ quan hệ của hai nước”, bởi vậy họ đã thúc đẩy quan hệ song phương “trong khi bỏ qua những thách thức khó khăn và giải quyết chúng một cách riêng rẽ”. Nhưng sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền cuối năm 2012, các lãnh đạo Trung Quốc nói với Manila: “Đây là một chính quyền khác”.
Và đúng thế. Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines năm 2013 đã phải nói rằng: “Tại thời điểm này, chúng tôi không thể đứng đơn độc” khi tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự ở Mỹ, Nhật Bản và các nước khác. Ông nói: “Chúng tôi cần thành lập liên minh. Nếu không, những lực lượng lớn hơn sẽ ức hiếp chúng tôi, và điều đó giờ đang xảy ra”. Thỏa thuận năm 2014 đã đưa quân đội và vũ khí Mỹ tới các căn cứ của Philippines, một sự đảo ngược so với quyết định đóng cửa tất cả các căn cứ Mỹ của Manila năm 1991.
Song giờ lại đến lượt Manila có một chính quyền khác. Dù ông Duterte ủng hộ thỏa thuận mới dựa vào Mỹ, ông cũng bác bỏ sự hiện diện của Mỹ ở Mindanao quê hương ông, nơi những kẻ khủng bố liên quan tới mạng lưới al-Qaeda từ lâu vẫn hoạt động. Năm ngoái, ông nói rằng ông cảm thấy căm thù Mỹ vì vụ đánh bom ở khách sạn Davao mà ông cho rằng thủ phạm là Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Ông đã từ chối không cho máy bay không người lái của Mỹ tới Davao để hoạt động chống khủng bố và năm 2006 đã từ chối đảm nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng Philippines bởi quan ngại về việc cùng làm việc với Washington.
Và tới vấn đề Biển Đông. Năm ngoái, phát biểu trước một nhóm các tùy viên quân sự nước ngoài, ông Duterte tuyên bố: “Mỹ sẽ không bao giờ chết vì chúng tôi. Nếu Mỹ quan tâm, họ lẽ ra đã gửi các tàu sân bay và tàu khu trục tên lửa vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền ở vùng lãnh thổ tranh chấp, song điều như vậy đã không xảy ra”. Vài tuần sau đó, ông nói: “Mỹ sợ tiến hành chiến tranh. Chúng ta tốt hơn hết nên kết bạn với Trung Quốc”.
Những năm qua cho thấy rằng ý định kết bạn của Trung Quốc không đi đôi với chủ quyền hay tự do trên biển của Philippines. Đó là lý do chính tại sao người dân Philippines thất vọng với Trung Quốc và thiết tha với Mỹ. Song rõ ràng ông Duterte vẫn cần phải thuyết phục.
Video Thị trưởng Rodrigo Duterte phát biểu sau bầu cử tổng thống Philippines. (Nguồn Inquirer):