Ảnh minh họa. |
Khả năng giám sát khá yếu kém của Nhật Bản, cộng với cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, đã khiến Tokyo vừa quyết định mua máy bay không người lái hiện đại của Mỹ.
Tình trạng dễ bị tổn thương của Nhật Bản đã được nêu bật hồi cuối năm 2012, khi hệ thống rađa của nước này không phát hiện được một máy bay tầm thấp của Trung Quốc bay qua nhóm đảo tranh chấp.
Hãng tin Kyodo trích lời một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản - yêu cầu giấu tên - cho biết các máy bay không người lái sẽ được sử dụng để đối phó với sự cứng rắn ngày một gia tăng của Trung Quốc trên biển, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Những quan ngại của Nhật Bản rằng tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ được Trung Quốc sử dụng như "khúc dạo đầu" để thử nghiệm các cán cân quyền lực khu vực đã khiến Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu khoản ngân sách 2,4 tỷ USD từ chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Số tiền này sẽ được sử dụng để mua thêm tên lửa đánh chặn PAC-3, nâng cấp máy bay chiến đấu F-15 và đẩy nhanh việc mua từ 1-3 chiếc máy bay không người lái của Mỹ.
Dưới sự lãnh đạo của ông Abe, một người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và mong muốn lực lượng vũ trang Nhật có vai trò quốc tế lớn hơn, Tokyo đã quyết định tăng chi phí quốc phòng lên 54,3 tỷ USD, lần đầu tiên trong 11 năm qua.
Nhật Bản dự kiến triển khai máy bay không người lái Global Hawk gần các đảo tranh chấp trong khoảng từ nay tới năm 2015. |
Global Hawk được một đội gồm ba người điều khiển từ xa và có thể bay liên tục tới 30 giờ, ở độ cao tối đa lên tới gần 20km, nhưng không có khả năng tấn công.
Ông James Corbett, chủ bút của Corbett Report có trụ sở tại Nhật Bản, nhận xét rằng trong bối cảnh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang trở thành tiêu điểm trong tình hình căng thẳng hiện nay, xung đột quân sự Trung-Nhật dường như sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới.
Ông Corbett nói: "Giờ đây, ông Abe đang nắm quyền tại Nhật Bản, còn ông Tập Cận Bình sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm tới, ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách chứng tỏ ai thực sự là người có khả năng bảo vệ Trung Quốc. Hai bên đều sẽ cố chứng minh quan điểm của mình và sẽ có một tiêu chuẩn chiến tranh mới cùng việc chi tiêu quân sự sẽ tiếp tục tăng lên trong vài năm tới."
Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường đáng kể chương trình máy bay không người lái của họ trong một động thái mà các nhà phân tích Mỹ đã miêu tả là một xu hướng đáng lo ngại.
Tháng 10/2012, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin đến năm 2015, nước này sẽ xây dựng 11 căn cứ máy bay không người lái dọc theo đường bờ biển.
Tháng 11/2012, Trung Quốc đã ra mắt 8 mẫu máy bay mới tại một triển lãm hàng không thường niên ở thành phố Chu Hải.
Tháng 12/2012, Trung Quốc cho biết quân đội nước này đang chuẩn bị thử nghiệm một loại máy bay không người lái được phát triển nội địa, vốn được các nhà phân tích cho rằng giống một bản sao của máy bay không người lái X-47B chuyên hoạt động cùng tàu sân bay của Mỹ.
Mẫu máy bay không người lái tàng hình của Trung Quốc. |
Cũng theo Tạp chí Quốc phòng Kanwa, Trung Quốc còn đang chuyển đổi các máy bay chiến đấu cũ J-6 thành những máy bay không người lái dạng cảm tử để sử dụng khi cần thiết.
Một báo cáo hồi năm ngoái của Lầu Năm Góc thừa nhận đồn đoán lâu nay về việc Trung Quốc đang phát triển một thế hệ các máy bay không người lái tàng hình mới với tên gọi là Anjian hay Dark Sword. Các máy bay này sẽ có khả năng vượt trội so với đội bay của Mỹ.
Máy bay không người lái đang giữ vị trí trung tâm trong cuộc chạy đua ngày một nóng lên giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Cả hai nước đều tuyên bố những máy bay không người lái sẽ được sử dụng cho mục đích giám sát, nhưng các chuyên gia cảnh báo khả năng đụng độ ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư giữa các máy bay loại này trong tương lai là rất cao./.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: