Chính phủ Trung Quốc đang đau đầu với nguy cơ cả thủ đô Bắc Kinh sẽ trở thành “hố địa ngục” khổng lồ khi những nghiên cứu mới đây cho thấy thành phố này đang lún xuống lòng đất 8-11 cm mỗi năm.
Bên cạnh bầu không khí ô nhiễm nặng do khí thải công nghiệp, việc đất nền bên dưới thủ đô đang sụt lún cũng đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với chính phủ Trung Quốc.
Một nghiên cứu mới đây về những chuyển động địa chất bên dưới thành phố Bắc Kinh do các học giả Trung Quốc và một kỹ sư người Tây Ban Nha tiến hành đã hé lộ rằng đất nền bên dưới một số khu vực trong thành phố sầm uất này đang sụt vào lòng đất từ 8-11 cm mỗi năm.
Các quận trung tâm Bắc Kinh đang sụt lún dần vì khai thác nước ngầm quá mức. Ảnh: EPA |
Có vẻ trung tâm Bắc Kinh là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với những khối đất đang dịch chuyển bên dưới các quận có mật độ dân cư dày đặc nhất. Khi sử dụng công nghệ radar vệ tinh để thực hiện cuộc nghiên cứu này, các chuyên gia đã so sánh các hình ảnh chụp cảnh quan của vùng này vào năm 2003 với các hình ảnh chụp năm 2011.
Các tác giả cuộc nghiên cứu này cho rằng việc “khai thác quá mức”, hay nói đúng hơn là việc khai thác các mạch nước ngầm quá mức chính là nguyên nhân dẫn đến việc Bắc Kinh đã và đang phải “hứng chịu sự sụt lún từ năm 1935”. Hiện nay họ đang tiếp tục đánh giá nguy cơ sụt lún đe dọa tiềm tàng đối với những tòa nhà và con đường trong thành phố này.
Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, hiện tượng “hố địa ngục”, còn gọi là “hố sụt” hay “hố tử thần”, là hiện tượng bề mặt Trái Đất bị sụt lún sâu vào lòng đất và là một vấn đề đang lan rộng trên toàn cầu. Hiện tượng này càng bị làm trầm trọng hơn bởi sự can thiệp của con người, chẳng hạn như các hoạt động khai thác mỏ, rút bớt đất hay khai thác nước ngầm.
Công ty truyền thông Sina của Trung Quốc ước tính Bắc Kinh đang sử dụng 3,5 tỉ mét khối nước mỗi năm và trong tương lai sẽ còn gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đang tiến hành một dự án 62 tỉ USD để đưa 44 tỉ mét khối nước từ sông Dương Tử đến những vùng có nguy cơ hạn hán thường xuyên ở miền Bắc nước này thông qua các kênh đào.