Những năm gần đây, thị trường mì ăn liền ở Việt Nam phong phú cả về chủng loại và giá cả. Trong số khoảng 50 công ty sản xuất mì gói, mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nổi lên một số "ông lớn" chiếm lĩnh thị phần mì ăn liền trên toàn quốc như Vina Acecook (mì Hảo Hảo), Masan (mì Omachi), Asia Foods (mì Gấu Đỏ).
Acecook Việt Nam
Nhắc đến thị trường mì gói ở Việt Nam không thể bỏ qua "ông lớn" sở hữu Mì Hảo Hảo - Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam. Gia nhập thị trường Việt từ đầu những năm 2000, mì Hảo Hảo của Acecook nhanh chóng trở thành sản phẩm quen thuộc nhất với người tiêu dùng ở khu vực thành thị và nông thôn.
Với việc duy trì mức giá bình dân trong suốt nhiều năm (hiện khoảng 3.500 đồng/gói), các gói mì Hảo Hảo trở thành món ăn "ruột" của nhiều tầng lớp, từ người lao động đến sinh viên, dân văn phòng...
Mì Hảo Hảo "thống trị" ngành mì gói ở Việt Nam. Ảnh: Acecook Việt Nam |
Xét về thương hiệu, theo thống kê của Kantar Worldpanel năm 2019, Hảo Hảo là 1 trong 4 nhãn hiệu mì gói nằm lọt top 10 nhãn hiệu thực phẩm được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất tại nông thôn, đồng thời là nhãn hiệu mì gói duy nhất được người tiêu dùng thành thị bình chọn. Bên cạnh đó, trong nhiều năm liền, Acecook Việt Nam luôn là thương hiệu mì ăn liền được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất.
Theo thông tin đăng tải trên website, Acecook Việt Nam cho rằng “Acecook giờ đây đã được biết đến là một thương hiệu dẫn đầu ngành hàng mì ăn liền chiếm hơn 50% thị phần và mức độ bao phủ gần 100% thị trường.”
Theo số liệu thống kế từ Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trước năm 2010, Acecook Việt Nam sở hữu hơn 50% thị phần mì theo giá trị. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp mới phát triển trong ngành này nhưng Acecook Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt về doanh thu và có được hiệu quả hoạt động cao. Hiện, Acecook đang xếp thứ 3 về lợi nhuận trong số các công ty thực phẩm của Việt Nam. Trong năm 2020, doanh thu của Acecook lên tới hơn 11.500 tỷ đồng.
Masan Consumer
Vài năm gần đây, thương hiệu mì gói của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) có sự phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp này đang sở hữu các dòng mỳ ăn liền dần trở nên quen thuộc với người dân như Omachi, Kokomi, Komi...
Có thể nói, chưa một nhãn hiệu mì gói nào lại được nhiều người nổi tiếng tham gia đóng quảng cáo như mì Omachi. Nhờ đó, mì Omachi đã giúp Masan gây dựng hình ảnh và dần chiếm lĩnh thị trường trong 10 năm.
Mì Omachi được nhiều người nổi tiếng tham gia đóng quảng cáo. Ảnh: Youtube |
Gia nhập thị trường sau nhưng Masan Consumer được xem là "ngôi sao đang lên" khi tăng thị phần nhanh chóng từ số 0 lên 21% năm 2012 và 25% vào năm 2015 và 24% vào năm 2016.
Báo cáo thường niên năm 2020 cho thấy, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, trong đó có mỳ gói, đạt gần 6.900 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019. Trong đó, doanh số mỳ Omachi tăng 32% so với năm 2019, chiếm lĩnh phân khúc cao cấp với 45% thị phần. Dòng mỳ ăn liền này cũng trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất tại kênh siêu thị và mỳ tô bán chạy nhất cả nước. Ở phân khúc trung cấp, mỳ Kokomi cũng có mức tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm 2019 và hiện là nhãn hiệu mỳ bán chạy nhất miền Bắc.
Sang nửa đầu năm 2021, Masan Consumer ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gần 8%. Trong đó, các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu có kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể, đặc biệt các dòng sản phẩm mỳ gói hay snack khác được tiêu thụ mạnh giữa đại dịch.
Asia Foods
Cty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) nổi tiếng với nhãn hàng mì Gấu đỏ, Trứng vàng. Asia Foods tỏ ra im hơi lặng tiếng hơn rất nhiều so với các đối thủ lớn là Acecook và Masan Consumer về mặt truyền thông. Tuy nhiên số liệu cho thấy công ty này dường như không hề bị hụt hơi. Các nhà máy của công ty này phân bổ khắp 3 miền.
Sản phẩm mì Gấu đỏ của Asia Foods. Ảnh: Internet |
Asia Foods có lịch sử tròn 30 năm sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, nhà máy trung tâm tại An Phú, Bình Dương được khánh thành năm 2003 có công suất 1,25 tỷ gói mì mỗi năm. Đến 2011 – 2012, công ty mở thêm một nhà máy tại Bắc Ninh và một tại Đà Nẵng. Ngoài ra, một nhà máy khác của Asia Foods cũng đặt tại Bình Dương (Asia Foods III).
Chiến lược tập trung vào các nhà bán lẻ và mức giá bán cạnh tranh ở khu vực nông thôn được Asia Foods lấy làm trọng tâm.
Thống kê năm 2019 cho biết, Asia Foods thu về khoảng 5.454 tỷ đồng.
Miliket dần mất vị thế
Miliket là một trong những thương hiệu nổi tiếng của người Việt có tuổi đời gần 50 năm. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, mì ăn liền Miliket của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa chiếm tới 90% thị phần.
Thương hiệu mì Miliket nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhưng cũng từng có giai đoạn mì tôm Miliket trở thành món đồ ăn xa xỉ với nhiều người, khi chúng chỉ được bán tại các cửa hàng tạp hóa quốc doanh.
Mì ăn liền Miliket vang bóng một thời. Ảnh: Internet |
Miliket nổi tiếng đến mức hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau in ngoài bao bì đã trở thành biểu tượng, thành thói quen và thành luôn cái tên chung cho các loại mì gói được sản xuất về sau này.
Sau năm 2000, trước sự gia nhập thị trường của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế “độc quyền” của Miliket dần mất đi.
Không có chiến dịch quảng cáo, truyền thông rầm rộ nào, cũng không có dòng sản phẩm mới mang tính đột biến, Colusa - Miliket càng bộc lộ việc không thực sự chú trọng đầu tư cho năng lực sản xuất. Quy mô sản lượng tiêu thụ, doanh thu của Công ty gần như không tăng trưởng trong 3 năm qua.
Tính đến cuối năm 2020, quy mô tài sản cố định hữu hình của Colusa - Miliket vỏn vẹn 15,96 tỷ đồng, giá trị khấu hao chiếm tới 85% nguyên giá. Trong 107 tỷ đồng nguyên giá tài sản cố định đến cuối năm 2020, giá trị tài sản đã khấu hao hết, nhưng vẫn còn sử dụng theo nguyên giá là 51,9 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu tư tài sản cố định của Colusa - Miliket khá hạn chế với 2,2 tỷ đồng trong năm 2019 và 1,5 tỷ đồng trong năm 2020.