Hàng chục người đàn ông vũ trang cắm chốt ở trụ sở của chi nhánh cơ quan an ninh Ukraine ở thành phố Lugansk luôn lăm lăm súng AK, thậm chí cả lúc ăn cơm.
Từ hôm 6/4, khi những tay súng chiếm tòa trụ sở công quyền, họ và hàng trăm người ủng họ khẳng định sẵn sàng cho cuộc tấn công từ phía cảnh sát bất cứ lúc nào.
Một số những người đánh chiếm trụ sở Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) ở Lugansk đang tranh thủ uống cà phê. Tuy nhiên, họ vẫn luôn lăm lăm súng trên tay. |
Tối hậu thư 48 giờ được Quyền Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov tuyên bố. Theo đó, chính quyền Kiev sẽ cho những người biểu tình 48 giờ để giao nộp vũ khí và dọn ra khỏi các cơ quan bị đóng chiếm. Tuy nhiên, những người nổi dậy, những người tự xưng là Quân đội vùng Đông Nam, thề không đầu hàng cho tới khi yêu cầu của họ được đáp ứng.
“Đủ các thành phần người dân tụ hợp ở đây với chúng tôi. Cựu quân nhân, dân thường. Còn các cô gái tới nấu ăn cho bọn tôi”, Aleksey Kariakin, một trong những thủ lĩnh của nhóm người biểu tình có vũ trang, cho phóng viên Kviv Post biết. Theo đó, một chiếc lều dã chiến ở ngay phía bên ngoài trụ sở cơ quan an ninh bị chiếm đóng ở Lugansk đã được những người ủng hộ lập ra để chống lại một cuộc đột kích của cảnh sát.
Là người dân bản địa, Kariankin đã đại diện cho phía người biểu tình thương lượng với Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andriy Parubiy. Ông tới Lugansk nhằm tìm cách tháo gỡ bế tắc giữa hai bên. Theo đó, những người nổi dậy yêu cầu chính quyền ngừng chiến dịch chống khủng bố. Họ cũng muốn tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức và đề nghị chính quyền trung ương đưa ra văn bản pháp lý cho phép tiến hành cuộc trưng cầu dân ý và hợp pháp hóa quân đội của họ.
Trong khi đó, bên ngoài SBU, những người ủng hộ lập ra những căn lều dã chiến. Họ nguyện sẽ làm "lá chắn" bảo vệ cho nhóm người biểu tình bên trong tòa nhà. |
Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của họ là liên bang hóa đất nước Ukraine thông qua cuộc trưng cầu dân ý trên khắp cả nước. Đây được coi là một bước ly khai khỏi chính quyên Kiev.
Cùng hòa chung với những tay vũ trang đang canh gác các tòa trụ sở công quyền, người dân ủng hộ cũng lập nên những lán trại để cung cấp nhu yếu phẩm hay giúp nhóm lực lượng vũ trang nâng cao tinh thần chiến đấu.
Cha xứ Aleksey đã lặn lội từ vùng giáp biên để hòa vào dòng người ở Lugansk với tâm niệm “hỗ trợ những tín đồ Chính Thống Giáo Nga”. Vị linh mục này nói rằng: “Phần lớn những người tới nghe ông giảng đạo đều bày tỏ ý nguyện sáp nhập vào Nga và phản đối chính quyền ở Kiev”. Không lâu sau, một nhóm những phụ nữ trung tuổi bắt đầu giúp Cha Aleksey dựng một chiếc lều để làm nhà thờ dã chiến. Vào hôm 11/4, khu lán trại này đã có thêm một pháo đài mới với những tấm nhựa chắc chắn để những người biểu tình không phải chịu mưa gió.
Cha Alexey, linh mục theo Chính Thống Giáo Nga, có mặt ở nơi này để mở các lớp hướng đạo cho mọi người. |
Liubov Chaikovskaya, một hưu trí 67 tuổi đã quyên góp 5 triệu Hryvnia (hơn 393.000 USD) để dựng nên công trình mới này, cho hay: “Tôi không thích chính quyền hậu thuẫn cho lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc. Tôi sẵn sàng sống ở Ukraine nhưng dưới sự quản lý của một chính quyền khác”.
Cũng giống như những “chiến binh” đang trấn giữ bên trong các tòa nhà, những người ủng hộ đứng ở bên ngoài bày tỏ, họ không nhất thiết yêu cầu sáp nhập vào Nga. Điều họ cần là chính quyền trung ương cho họ thêm nhiều quyền tự chủ.
Cùng với đó, những người ủng hộ bên ngoài lo sợ rằng, lực lượng chiếm đóng sẽ bị bắt giữ và tống vào tù. “Có 4 người đang trấn giữ bên trong tòa nhà. Chúng tôi biết chúng. Do vậy, chúng tôi sẽ nguyện làm bia chắn để bảo vệ họ”, y tá Liubov Karlova 49 tuổi cho hay.