Liệu có đẩy rủi ro cho người dân không?
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Nước mặt Sông Đuống và đề nghị cần có thủ tục để kiểm soát việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” hay các “dự án lòng vòng”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói rằng, ông vừa nhận được thông tin có 5 nhà đầu tư Thái Lan nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống.
“Cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh để phục vụ nhân dân hay họ chỉ thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt là rủi ro cho nhân dân” - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
Nên hạn chế người nước ngoài sở hữu
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, mặc dù là mặt hàng quan trọng với mọi người dân, nhưng nước sạch lại không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, đề nghị cân nhắc, xem kinh doanh nước sạch có thuộc mục kinh doanh thực phẩm hay không. Nếu không thì cần đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
"Chúng ta xây dựng các dịch vụ sản xuất kinh doanh có điều kiện để đưa vào danh mục, nhưng đến khi Chính phủ ban hành các điều kiện thì tôi thấy có nhiều lỏng lẻo" - ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói rằng, trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, khi thiết lập các điều kiện cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chúng ta phải xem xét rất kỹ có những ngành nghề phải hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài Việt Nam.
“Có những ngành nghề phải hạn chế người nước ngoài sở hữu, không cho họ sở hữu đa số. Ví dụ như vấn đề kinh doanh nước sạch hôm trước tôi có kiến nghị, ở những đô thị lớn vấn đề an ninh nguồn nước rất quan trọng và chúng ta có nên đưa vào những điều kiện không cho nước ngoài sở hữu, nhà đầu tư vào có thể chuyển nhượng qua lại" - ông Nghĩa cho hay.
Ông Nghĩa lý giải, nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng, đặc biệt, tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh có khoảng 13 triệu dân, Hà Nội có khoảng 10 triệu dân hàng ngày dùng nước sạch.
“Nếu không kiểm soát được nguồn nước và việc cung cấp nước thì đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, gây hệ quả nghiêm trọng' - ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. |
Nhà máy cung cấp nước cho mấy triệu người dân, để người nước ngoài quản lý thì rất nguy hiểm
Nói thêm ý kiến của Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) về việc không nên phân biệt đối tượng đầu tư và cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này đã tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói rằng, ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, tuy nhiên nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn đã trở thành vấn đề an ninh.
Ông Nghĩa nói thêm, ở một số quốc gia, các ngành nghề liên quan đến vấn đề an ninh có những thiết chế luật ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng tác động đến vấn đề an ninh quốc gia, Việt Nam cũng nên suy nghĩ, thiết kế công cụ tương tự.
“Cần cảnh giác đề phòng thế lực khủng bố có ý đồ xấu, lợi dụng việc này” - ông Nghĩa nói.
Nhắc đến việc chuyển nhượng 34% vốn tại dự án nước sạch sông Đuống cho tỷ phú Thái Lan và đặt câu hỏi: Một nhà máy nước cung cấp nước cho mấy triệu dân, nhưng chúng ta có biết ai đứng sau những công ty ấy không?
Đồng thời bày tỏ lo ngại, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn, sau đó lại bán cho một nhà đầu tư khác, rồi nhà đầu tư này lại bán cho người khác nữa, trong khi chúng ta không biết rõ chủ của họ là ai.
“Có những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 30%, có thể 50-60% rồi chuyển nhượng, khi tìm hiểu ra họ lại là những công ty đăng ký tại các thiên đường thuế ở Cayman (Islands), vốn chỉ 5-10 nghìn USD” - ông Nghĩa cảnh báo.
Do vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, đánh giá về việc nhà đầu tư nước ngoài mua, nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần ở các công ty tư nhân cung cấp nước sạch trong nước.
Nguồn VTC1
Công ty CP Nước mặt sông Đuống, một doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/6/2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước.
Theo danh sách cổ đông thành lập, Tập đoàn Aqua One nắm giữ 58% vốn của công ty. Bên cạnh đó, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống còn có các cổ đông sáng lập khác: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sở hữu 10%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) 5%; Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (nhà đầu tư uỷ thác góp vốn) 27%. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp đã có sự thay đổi về cổ đông khi Nhà máy nước sông Đuống được xây dựng và đi vào hoạt động. Cổ đông sáng lập là CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman đã không còn xuất hiện trong danh sách, thay vào đó là công ty WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited với tỉ lệ sở hữu 34%.
WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited được giới thiệu là thành viên Tập đoàn WHA - Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan. Bà Jareeporn Jarukornsakul, nữ tỷ phú Thái Lan, hiện đang nắm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này, sở hữu 10,3% vốn và thông qua WHA Holding Co.,LTD sở hữu 25,3%.
Mới đây, thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đến ngày 19/11 cho thấy, bà Đỗ Thị Kim Liên (vị Shark trong chương trình Shark Tank Việt Nam) đã chính thức rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống.
Thay thế vị trí của bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng (SN 1980, có hộ khẩu thường trú tại 5B7, Tập thể Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội), thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống). Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.
Đáng chú ý, cùng với việc thay đổi vị trí Tổng giám đốc, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cũng thay đổi thông tin về vốn điều lệ và bổ sung thêm một loạt các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
Các cổ đông này chủ yếu đến từ Thái Lan, bao gồm ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, thành viên Ban Kiểm soát; bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, thành viên Hội đồng quản trị; ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, thành viên Hội đồng quản trị; ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, thành viên Hội đồng quản trị.
Có hai nhân sự người Việt khác là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương - Kế toán trưởng.