Ảnh minh họa: WV. |
Mời độc giả xem thêm video: TP.HCM lên kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ (Nguồn video: THĐT)
Ảnh minh họa: WV. |
Mời độc giả xem thêm video: TP.HCM lên kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ (Nguồn video: THĐT)
Từ ngày 13/5 đến 6/6, thế giới đã ghi nhận hơn 1.000 ca đậu mùa khỉ ở khoảng 30 quốc gia ngoài châu Phi - nơi lưu hành phổ biến của bệnh. Trong đó, Vương quốc Anh có nhiều bệnh nhân nhất (302 người), tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada và Đức.
Một sự thay đổi đột ngột trong hướng dẫn của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hiện tượng ít được biết đến: Đôi khi, đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua aerosol (giọt bắn siêu nhỏ) giống như Covid-19.
CDC khuyến nghị: “Hãy đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang có thể giúp bảo vệ bạn khỏi nhiều bệnh, bao gồm cả đậu mùa khỉ”. Tối muộn 6/6, đề xuất đó đã bị xóa.
“Chúng tôi loại bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang khỏi thông báo phòng tránh đậu mùa khỉ vì gây ra sự nhầm lẫn”, CDC giải thích.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nói rằng ở các quốc gia đang lây lan đậu mùa khỉ, những người tiếp xúc với bệnh nhân và nhân viên chăm sóc sức khỏe” nên cân nhắc việc đeo khẩu trang. Hướng dẫn đó cũng áp dụng cho những người có thể tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Diễn biến trên đã đặt ra một khía cạnh ít được thảo luận của đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay: Virus có thể lây nhiễm trong không khí, ít nhất trong khoảng cách ngắn. Trong khi các chuyên gia cho biết, lây truyền qua không khí chỉ là một phần nhỏ trong sự lây lan tổng thể, không có ước tính chắc chắn về tỷ lệ.
Trong các đợt bùng phát trước đây, phần lớn các ca mắc mới đã tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc động vật nhiễm bệnh. Nhưng trong một số trường hợp, lây truyền qua không khí là cách giải thích duy nhất.
Đậu mùa khỉ được cho có đặc điểm giống với đậu mùa. Trong đánh giá về sự lây truyền bệnh đậu mùa, Tiến sĩ Donald Milton, Đại học Maryland (Mỹ), đã mô tả một số trường hợp lây truyền qua đường không khí.
Tiến sĩ Milton cho rằng, đó là lời giải thích hợp lý duy nhất trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở New York (Mỹ) năm 1947, khi ca mắc mới ở cách bệnh nhân đầu tiên 7 tầng. Năm 1970, một trường hợp đã lây nhiễm cho nhiều người khác trên 3 tầng của một bệnh viện ở Meschede (Đức), nhờ sự hỗ trợ của luồng không khí trong tòa nhà.
Nhà virus học Mark Challberg, Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cho biết: “Hầu hết mọi người nghĩ rằng bệnh đậu mùa thường lây truyền qua các giọt bắn lớn, nhưng vẫn có khả năng truyền qua aerosol”.
Tiến sĩ Milton cảnh báo, việc lập kế hoạch phòng ngừa nguy cơ lây truyền bệnh đậu mùa khỉ trong không khí đặc biệt quan trọng trong các bệnh viện.
Khi dịch đậu mùa khỉ tiếp tục bùng phát, nhiều bệnh nhân đang cách ly tại nhà do các triệu chứng nhẹ. Các thành viên trong gia đình có thể cần xem xét khả năng lây truyền qua đường không khí.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về đậu mùa khỉ, bao gồm cả tại sao đợt bùng phát hiện nay chỉ gây ra các ca bệnh nhẹ. Giới khoa học không biết con người có thể truyền virus khi không có triệu chứng hay không, virus đã lưu hành trong cộng đồng bao lâu và liệu lây truyền trong tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo hay không.
Có bằng chứng ghi nhận phụ nữ mang thai có nguy cơ truyền virus đậu mùa khỉ sang thai nhi. Trong một nghiên cứu trên 216 bệnh nhân ở Cộng hòa Dân chủ Congo, 4/5 phụ nữ mang thai đã bị sẩy thai. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy virus và các tổn thương do virus trong bào thai.
Từ cuối tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra có “nguy cơ vừa phải”. Theo số liệu thống kê của tổ chức này, chỉ sau 10 ngày, ca mắc trên toàn cầu đã tăng 65%. Đặc biệt, một ca tử vong đã được ghi nhận và một trường hợp nghi ngờ khác đang được điều tra.