Số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã bắt đầu tăng mạnh, nửa năm đã có gần 80.000 c mắc. Đặc biệt tại 20 tỉnh phía nam, đã ghi nhận hơn 50.000 ca (gấp gấn 3 lần so với cùng kỳ 2018), trong đó đã có 6 trường hợp tử vong.
Riêng TP.HCM, từ đầu năm đến nay có gần 25.000 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên).
Tại Hà Nội, vài tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh, chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6, đã có hơn 160 ca, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố từ đầu năm đến nay lên hơn 820 ca. Hiện tại, vẫn còn gần 100 bệnh nhân đang phải điều trị tại các bệnh viện.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Bạch Mai. |
Tại BV Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, số bệnh nhân nhập viện có dậu tăng lên, trong đó có nhiều ca nặng.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Minh, 40 tuổi ở Hà Nội, được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, men gan cao gấp 20 lần bình thường do sử dụng thuốc hạ sốt quá liều, dương tính với sốt xuất huyết.
Trước khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, chị Minh sốt cao liên tục 39-40 độ C, nghĩ sốt virus nên chị tự ý mua thuốc hạ sốt về uống, liên tục 8-10 viên/ngày khiến gan bị nhiễm độc.
Sau khi điều trị tích cực hơn 1 tuần, bệnh nhân đã hồi phục dần, qua cơn nguy kịch và vừa được xuất viện. Được biết, mùa hè 2018, chị Minh cũng phải vào viện điều trị vì sốt xuất huyết.
Một trường hợp khác khá nặng là bệnh nhân Tuấn Anh, 22 tuổi, sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải, nhập viện ngày 2/7 trong tình trạng sốt cao liên tục trên 39 độ, ban nổi khắp người.
Kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu bệnh nhân giảm mạnh, gan to, chảy máu chân răng. Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, truyền dịch.
Cẩn trọng với thuốc hạ sốt
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với sốt virus. Do đó người dân khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì phải đến BV để khám, làm test nhanh.
Trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết, người dân chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt. Tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h (trẻ em dùng liều 10-15mg/kg), cứ 4 - 6 tiếng uống một lần khi sốt từ 38,5 độ trở lên, tuy nhiên khuyến cáo không nên uống quá 4-6 viên/ngày.
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân và phụ huynh sốt ruột khi paracetamol hạ sốt không sâu, tái sốt nhanh nên đã cuống cuồng tìm thuốc chứa aspirin hoặc ibuprofen thay thế.
Thực tế, lượng tiểu cầu trên những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ giảm nhanh, trong khi aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến bệnh nhân tăng nguy cơ chảy máu. Aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Khi uống 2 thuốc này, ở thể nhẹ có thể chỉ xuất huyết dưới da, thể nặng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu răng, chảy máu cam thậm chi nôn ói ra máu, chảy máu ồ ạt.
Với paracetamol, do là thuốc không kê đơn nên tình trạng lạm dụng và ngộ độc loại thuốc này ngày càng gia tăng.
Theo PGS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, paracetamol vốn lành tính, được chuyển hóa tại gan. Tuy nhiên khi uống quá liều, paracetamol sẽ tạo ra các chất độc, phá hủy tế bào gan dẫn đến nhiễm độc gan mà hậu quả nặng nề là suy gan cấp tính, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi, hôn mê gan và có thể tử vong.
Đặc biệt, trên các bệnh nhân có sẵn bệnh lý ở gan như viêm gan, xơ gan... nguy cơ nhiễm độc gan càng cao và tình trạng càng nặng.
Các bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt 2-7 ngày, 3 ngày đầu không nguy hiểm tính mạng dù có sốt cao trừ những trường hợp mắc bệnh mãn tính kèm theo hay phụ nữ có thai, trẻ em.
Với trường hợp khoẻ mạnh, khi dương tính với sốt xuất huyết chỉ cần về nhà yên tâm điều trị theo đơn bác sĩ và từ ngày thứ 4 tái khám theo chỉ định. Những trường hợp có nền bệnh và có dấu hiệu cảnh báo cần được nằm viện theo dõi.