Quan niệm ngủ ngáy mới khỏe, ngủ ngáy cho vui cửa, vui nhà nhưng thực chất các bác sĩ cho rằng ngủ ngáy là bệnh lý phải điều trị.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thống kê ở độ tuổi 30, có 20% nam giới và 5% nữ giới ngủ ngáy. Nhưng tỷ lệ này tăng theo tuổi, ở độ tuổi 60, nam giới là 60% và nữ giới là 40%. Lý do này được giải thích là do khi lớn tuổi thì niêm mạc, mô mềm vùng hầu, khẩu cái, họng miệng – hạ họng, bị mềm nhão, ít đàn hồi nên dễ bị xẹp, gây hẹp, tắc đường thở khi hít vào.
Ở người mập tỷ lệ ngủ ngáy tăng gấp 3 lần so với người bình thường, đồng thời những người mập có tỷ lệ hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ tăng gấp nhiều lần, là do cổ ngắn, dư thừa mô, làm hẹp, tắc đường thở, đặc biệt khi nằm ngủ .
Ở trẻ em thường liên quan đến nguyên nhân viêm VA, amidan quá phát, béo phì hoặc vùng hàm – mặt, sọ mặt phát triển bất thường…
PGS Nam cho biết bình thường nếu âm thanh ngáy nhỏ, êm dịu, đều đều, không ảnh hưởng đến người xung quanh và giấc ngủ ngon, khi dậy thấy cơ thể khỏe, thoải mái… Nhưng trường hợp ngủ ngáy to, có từng cơn tắc nghẽn ngừng thở, kèm rối loạn giấc ngủ, mơ hoảng, ngộp thở và nghẹn cổ không thở được… Đây là trường hợp ngủ ngáy bất thường và có thể liên quan tới hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ngừng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó hoạt động hô hấp trở lại bình thường phối hợp với sự tỉnh thức ngắn.
Cụ thể, bệnh nhân đang ngáy rất đều, tự nhiên im hẳn trên 10 giây, rồi bắt đầu thấy bệnh nhân cựa mình, sặc lên rồi ngáy tiếp, đó là dấu hiệu biểu hiện cơn ngừng thở; Trạng thái này làm bệnh nhân cảm thấy ngộp thở, ngột ngạt khi ngủ.
Những người bị ngừng thở khi ngủ, lúc tỉnh dậy bệnh nhân than phiền về tình trạng nhức đầu, mệt mỏi vào buổi sáng, năng suất làm việc giảm sút, buồn ngủ hoặc ngủ gật ban ngày. Đây là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông và tai nạn lao động.
Tính tình bệnh nhân bị thay đổi, dễ cáu gắt, dễ gây gổ. Những bệnh nhân này còn có nguy cơ cao huyết áp, lên cơn đau tim và tai biến mạch máu não do thiếu oxy máu mỗi khi ngưng thở. Tình trạng này kéo dài có thể khiến oxy máu giảm, khí cacbonic bị ứ đọng gây suy hô hấp dù phổi vẫn bình thường…
Đặc biệt ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, ngáy – tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ kéo dài, do phải há miệng để thở gây ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, gây lệch khớp cắn, hô hàm, mũi tẹt …
Tắc nghẽn gây thiếu oxy não, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, mơ hoảng, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, tinh thần và một số bệnh lý rối loạn tâm lý khác…
Không chỉ có hội chứng ngừng thở khi ngủ mà theo bác sĩ Nam ngáy ngủ có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ và đau tim. Đó là bởi vì ngáy ngủ thường xuyên có thể sẽ dẫn đến tình trạng thu hẹp động mạch cảnh. Động mạch cảnh là động mạch chính ở cổ có nhiệm vụ cung cấp oxy lên não.
Ngáy không phải là bệnh nặng, tuy nhiên nhiều người mắc bệnh ngáy đang ở độ tuổi lao động nên nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng đến công việc vì người bệnh luôn thấy buồn ngủ, mệt mỏi, khó tập trung trong công việc. Về lâu dài, bệnh ngáy làm nặng thêm các bệnh trên những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa (béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu), bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp.