Theo Reuters, các cựu quan chức Mỹ và một số chuyên gia chính sách nhận định cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của cộng đồng người Kurd Iraq giáng đòn mạnh vào Mỹ, vì Washington đã mất nhiều năm cùng với hàng tỷ USD và sinh mạng của hàng nghìn binh sỹ để cố gắng đảm bảo Iraq thống nhất.
Người Kurd bỏ phiếu đòi độc lpaaj với Iraq trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 25/9/2017. Ảnh: Reuters |
Một nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý hôm 25/9 vừa qua đã không thuyết phục được những thủ lĩnh người Kurd, vốn nằm trong số một vài đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông. Điều này có thể được xem như một minh chứng mới nhất về sức mạnh đang suy giảm của Mỹ.
James Jeffrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq và hiện là thành viên cấp cao của Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận định: "Đây là một thất bại lớn. Nó đã làm mất đi luận cứ rằng chỉ có Mỹ mới có thể duy trì sự thống nhất của Iraq."
Theo các chuyên gia, do vậy, Mỹ có thể khó khăn hơn khi ngăn cản nước Hồi giáo Shiite Iran lấp chỗ trống để lại sau thất bại của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thông qua lực lượng dân quân Shiite và những đồng minh khác tại Iraq, Syria và những nơi khác.
Hơn nữa, cuộc trưng cầu ý dân trao quyền cho các lãnh đạo người Kurd đàm phán về quyền độc lập khu vực có hơn 8,3 triệu dân này đe dọa làm dấy lên các cuộc xung đột. Điều này có thể cản trở những nỗ lực được Mỹ hậu thuẫn nhằm ổn định Iraq, tiêu diệt những tàn dư của IS hay những nhóm phiến quân tương tự khác. Một quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận: "Chúng tôi coi đây là một nguy cơ lớn."
Mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất là xung đột ở thành phố giàu trữ lượng dầu mỏ Kirkuk và những khu vực khác do người Kurd kiểm soát giữa binh sỹ Iraq và dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn với lực lượng bán dân sự được Mỹ huấn luyện của Chính phủ Khu vực Kurd (KRG).
Một cuộc đụng độ "sứt đầu mẻ trán" như vậy có thể tước đi những hy vọng của chính quyền Trump về việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Baghdad và KRG cũng như ngăn chặn tuyên bố độc lập của người Kurd. Không chỉ vậy, xung đột cũng có thể cản trở những chiến dịch do Mỹ hậu thuẫn giúp người Sunni đang lánh nạn hồi hương.
Robert Ford, cựu Phó Đại sứ Mỹ tại Iraq, cho biết: "Người Kurd tiến hành trưng cầu ý dân là một dấu hiệu cho thấy sự tín nhiệm của Mỹ đã giảm so với trước đây."
Nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân đã thất bại bởi lãnh đạo người Kurd Barzani đã nhận thấy được những khát vọng chính đáng về một nhà nước người Kurd độc lập như một di sản của ông ấy.
Mặt khác, Peter Galbraith, cựu quan chức ngoại giao Mỹ có mối quan hệ với các lãnh đạo người Kurd, cho rằng Washington đã sai lầm khi nghĩ rằng ông Barzani có thể vượt qua phản ứng mạnh từ việc hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân mà Nhà Trắng đã yêu cầu chỉ 10 ngày trước khi cuộc trưng cầu này diễn ra.
Và theo cựu Đại sứ Jeffrey, điều đẩy người Kurd theo hướng này là nỗi sợ Iraq sẽ nằm dưới sự cai trị của Iran và dân quân Shiite và vấn đề ưu tiên tại Iraq là các đảng Shiite tại Baghdad không muốn chia sẻ quyền lực với người Arab Sunni và người Kurd./.