Ông Võ Ngọc Hùng - chủ nhân của sản phẩm nón lá bàng trong suốt ở Huế (Ảnh: Hoài Sơn). |
Là người yêu thích nghệ thuật và cái đẹp, trước đây, ông từng thành công với việc in tranh lên xương lá bồ đề, nhưng sản phẩm lại không được ưa chuộng. Không nản, ông lại tìm tòi, sáng tạo ra những điều mới mẻ hơn dựa trên kỹ thuật ngâm xương lá từ trước.
Lá bàng rừng được ông chọn lựa kỹ càng và làm sạch trước khi sử dụng làm nón (Ảnh: Hoài Sơn). |
Bước đầu phát triển ý tưởng, ông gặp nhiều thất bại vì những chiếc lá bị hư hỏng do không đủ độ dày, rách, sâu hoặc lá còn non, lại phải một mình bền bỉ "săn" nguyên liệu, tiếp tục thử nghiệm.
Để làm ra được những chiếc nón hoàn chỉnh, ông phải mất rất nhiều thời gian lựa chọn nguyên liệu ưng ý. Sau đó, ông dành cả nửa năm nghiên cứu để cho ra xương lá bàng có thể dùng làm nón.
Chiếc nón lá bàng rừng trong suốt nhưng ông Hùng cam kết chất liệu đã được lựa chọn, xử lý kỹ thuật rất chắc chắn (Ảnh: Hoài Sơn). |
Ngày chiếc nón đầu tiên hoàn tất, nhiều người trong xóm nhỏ bất ngờ. Ai cũng tỏ ra thích thú xin dùng thử và chụp ảnh. Chính những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội sau đó khiến nhiều người tìm ông đặt hàng.
Nón chỉ che mưa và chứa tình yêu Huế
Cầm trên tay chiếc nón lá rừng mỏng manh, trong suốt, nhiều khách không khỏi hoang mang về độ chắc chắn. Ông Hùng trấn an: "Không rách được đâu. Đi mưa thoải mái, không lo ướt".
"Nón này chỉ không dùng che nắng", ông Hùng cười xòa và cho hay đó là món hàng "điên khùng", khác biệt của ông so với những sản phẩm nón truyền thống.
Mỗi chiếc nón được ông bán với giá 450.000 đồng/nón trơn, 600.000 đồng/nón vẽ họa tiết (Ảnh: Hoài Sơn). |
Nón lá bàng của ông được đón nhận rất nhiệt tình, nhất là du khách ở Hà Nội và TPHCM, ngay cả những du khách nước ngoài cũng thường xuyên ghé đến để mua nón làm quà kỷ niệm.
Để có được những chiếc nón độc đáo, ông Hùng phải bỏ ra rất nhiều công sức, với nhiều công đoạn làm nón.
Ông Hùng rất yêu quê hương và có tình cảm đặc biệt với những chiếc nón lá Huế (Ảnh: Hoài Sơn). |
Giai đoạn tìm và lựa chọn lá bàng khoảng 1,5 tháng. Lá bàng đạt chuẩn được nấu và ngâm, chuốt bỏ phần mục lấy xương lá. Công đoạn này cần sự tỉ mỉ và kiên trì vì đều làm hoàn toàn thủ công, nếu không cẩn thận sẽ rách ngay.
Khi đã có những chiếc xương lá hoàn hảo mới đắp lên khung nón, sau đó xử lý chống ẩm, chống thấm để tránh mốc và giữ nguyên vẻ đẹp tinh khôi của chiếc nón lá.
Mỗi chiếc nón được ông bán với giá 450.000 đồng/nón trơn, 600.000 đồng/nón đã vẽ. Nhưng với ông, việc bán nón không để làm giàu, mà để truyền tải văn hóa đến những người xung quanh.
"Tôi rất yêu Huế, vì vậy trên những chiếc nón luôn có hình ảnh quê hương và khi nón đến tay khách sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Huế đến bạn bè quốc tế", ông Hùng bày tỏ.