Theo Science Alert, giới hạn thời gian để mọi người có thể tồn tại mà không ăn uống rất phức tạp. Con người không thể sống sót quá một tuần nếu không có nước, nhưng thời gian nhịn đói lại rất khác biệt.
Angus Barbieri có thời điểm nặng hơn 2 tạ. |
Lịch sử từng ghi nhận Angus Barbieri, một người đàn ông 27 tuổi ở Scotland, đã nhịn đói suốt 382 ngày kể từ tháng 6.1965-7.1966.
Có rất ít tài liệu ghi lại khoảng thời gian Barbieri nhịn ăn. Một vài bài báo cũ kể lại câu chuyện của ông. Một báo cáo từ các bác sĩ được đăng trên tạp chí Postgraduate Medical Journal năm 1973. Cụ thể, Barbieri đến gặp các bác sĩ Khoa Y ở Bệnh viện Hoàng gia Dundee, Scotland để được giúp đỡ nhịn ăn.
Ở thời điểm đó, Barbieri rất béo với trọng lượng lên tới 207 kg. Họ sắp xếp cho ông nhịn ăn trong thời gian ngắn để giảm bớt cân nặng.
Babieri tận hưởng bữa ăn đầu tiên sau 382 ngày nhịn đói. |
Sau khi nhịn ăn nhiều ngày rồi nhiều tuần, Barbieri tiếp tục chương trình nhịn ăn. Dù nhịn ăn hơn 40 ngày được cho là nguy hiểm, ông vẫn quyết tâm giảm cân nặng xuống 49kg.
Barbieri chủ yếu trải qua cuộc sống thường nhật ở nhà trong suốt thời gian nhịn ăn. Ông vào bệnh viện kiểm tra theo định kỳ và ở lại qua đêm.
Các cuộc kiểm tra đường huyết cho thấy, cơ thể Barbieri bằng cách nào đó vẫn hoạt động dù ông rơi vào tình trạng hạ đường huyết, dấu hiệu cho thấy bệnh nhân không ăn uống.
Những tuần nhịn ăn dần dần kéo dài thành nhiều tháng. Barbieri chỉ uống vitamin, bao gồm kali và natri.
Barbieri được phép uống cà phê, trà và nước soda, tất cả đều không chứa calorie. Ông thừa nhận có lần từng cho một ít đường hoặc sữa vào trà, đặc biệt vào vài tuần cuối cùng trong thời gian nhịn ăn.
Kết thúc quãng thời gian này, Barbieri nặng 82kg. Năm năm sau, cơ thể ông chỉ tăng lên mức 89 kg. Trường hợp của người đàn ông Scotland được cho là ví dụ đặc biệt nhất về khả năng nhịn ăn của con người.
Theo các bác sĩ, giảm cân bằng cách nhịn ăn kéo dài có thể gây nguy hiểm chết người. Không ai có thể sống sót mà không dùng năng lượng đến từ thức ăn và các nguồn chất béo khác.
Nhịn ăn để giải quyết tình trạng béo phì từng được ưa chuộng vào những năm 1960 và 1970. Các bác sĩ đã từ bỏ phương pháp này vì có trường hợp bệnh nhân tử vọng khi bắt đầu ăn uống trở lại.
Sau một khoảng thời gian dài không ăn uống, hoạt động của cơ thể đốt cháy mỡ và cơ, dẫn tới những thay đổi đáng kể về thể chất và làm gia tăng nguy cơ suy tim. Ngay cả chế độ ăn ít calorie, cung cấp không đủ dưỡng chất cũng có thể gây chết người.
Trước bữa ăn đầu tiên sau thời gian dài nhịn ăn, Barbieri cho biết đã quên mất mùi vị thức ăn. Trong bữa sáng vào tháng 7.1966, ông ăn một quả trứng luộc, một lát bánh mì bơ và một tách cà phê đen."Tôi ăn quả trứng và cảm thấy rất no”, Barbieri nói với các phóng viên vào ngày hôm sau.