Ngôi nhà 5 gian tọa lạc trên mảnh đất nằm ở vùng bán sơn địa lưng tựa núi và bao quanh là suối, có nhiều cây to bóng mát quanh nhà
Thảm thực vật phong phú, tự nhiên và đa dạng nên không khí rất trong lành, yên tĩnh
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Hồng Kiên, chủ nhân ngôi nhà cổ - ngôi nhà mang đầy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Bắc Bộ cho hay, do có nghề gỗ mỹ nghệ nên bản thân rất đam mê lối làm thủ công của các cụ.
Ông Lê Hồng Kiên, chủ nhân ngôi nhà cổ 5 gian
Trong cuộc sống hàng ngày, ông Kiên và các con rất tâm đắc với cuộc sống yên bình trong một mảnh vườn có thể tự cung tự cấp các loại rau quả thực phẩm sạch thiết yếu. Tình cờ, biết đến cuộc sống thú vị của “tiên nữ đồng quê Lý Tử Thất”, lại được các con khích lệ, thôi thúc ông bắt tay phục dựng ngôi nhà.
Ngôi nhà 5 gian được tự tay gia chủ cầu kỳ lên ý tưởng phục dựng
Ngói cổ gạch đá ong cổ kết hợp với cây xanh cho cảm giác lắng đọng
“Với triết lý thuận theo tự nhiên, bước đầu tiên, tôi sửa ngôi nhà cũ vài chục năm tuổi này thành một căn nhà đầy đủ tiện nghi, đậm chất dân gian nhưng điểm những yếu tố đương đại.
Nhà phụ 3 gian cho khách đến chơi ngủ lại. Kết nối giữa nhà 5 gian và nhà phụ là vườn rau xanh bốn mùa
Nằm trong tổng thể cảnh quan, ngôi nhà có sân to dưới bóng cây râm mát, có chỗ nằm hóng gió, chuyện trò, có hồ bán nguyệt và có cả bồn tắm đá tự nhiên lộ thiên giữa vườn dưới những tán cây xanh mát...
Hồ đá ong thả bèo tấm
"Điểm đặc biệt ở ngôi nhà là tránh tối đa bê tông hoá. Các yếu tố tự nhiên như nắng gió, địa hình, bình độ, giao thông, cảnh quan... của tự nhiên đều được tận dụng đưa vào không gian kiến trúc. Tất cả đồ vật đều do tôi tự tay sưu tầm và bầy biện” – gia chủ chia sẻ.
Tất cả đồ vật trong ngôi nhà đều do gia chủ tự tay tìm kiếm
Được biết, nguyên vật liệu để phục dựng thành ngôi nhà hoàn chỉnh phần lớn là đồ đã qua sử dụng, được gia chủ cất công tìm kiếm từ nhiều vùng quê khác nhau. Có những thứ có thể xin được, có những thứ mua với giá thanh lý và có cả những vật dụng là đồ cổ quí hiếm có một không hai… Song, có lẽ thứ quí giá không thể kể bằng tiền là giá trị tinh thần, tâm huyết và công sức mà gia chủ đã dành trong thời gian dài để hoàn thiện ngôi nhà.
Đồ nội thất đa số là đồ gỗ
Kệ bày đổ cổ trong nhà
Đồ gỗ của gia chủ tự đóng cách đây 30 năm
"Những cây cọc hồ tiêu bị vứt chỏng trơ, những thanh ray tà vẹt tàu hoả bằng gỗ thải loại làm củi, những viên ngói và đá ong cũ nằm ở xó xỉnh khắp các làng quê, những nếp nhà cũ do tốc độ đô thị hóa bị biến làm củi đun bánh chưng hoặc để mục ruỗng, những cánh cửa cũ... tất cả đã được tôi đi xin, đi sưu tập thậm chí đi đồng nát và tập hợp về mảnh vườn này, chỉ mong cho các “bạn” một cuộc đời tái sinh."
Nhiều vật dụng là thứ bỏ đi
"“Của một đồng nhưng công một nén”, bỏ ngoài tai những sự nghi ngờ, những tiếng chê bai, tôi vẫn quyết tâm phải biến những thứ cũ rích bị bỏ xó, bị người đời lãng quên và coi thường thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị vì đâu đó chúng cũng giống cuộc đời tôi."
Gian bếp nấu, cột bếp được làm bằng cột đá cổ gia chủ mua của nhà Chánh tổng trấn Quốc Oai
"Đó là ước nguyện của tôi gửi gắm vào công trình nhà vườn của gia đình. Tôi làm với niềm tin mãnh liệt rằng có thể nay mai cuộc đời của tôi cũng sẽ được tái sinh" – ông Lê Hồng Kiên kể.
Theo ông Kiên, việc sử dụng các vật liệu gần gũi với tự nhiên, thân thiện với môi trường và nương theo các yếu tố tự nhiên để kiến trúc sẽ tối ưu hoá không gian và môi trường sống.
Góc thư giãn nằm bên cạnh ngôi nhà
“Tiêu chí Kiên đặt ra cho ngôi nhà rất cao: Các vật liệu phải thân thiện với môi trường, phải thuận theo tự nhiên, phải giữ nguyên sinh thái cây cỏ, phải có nét văn hoá, có chiều sâu nghệ thuật, lưu giữ màu thời gian, phải có cảm xúc và truyền tải được thông điệp sử dụng đồ tái chế và bảo vệ môi trường, ngôi nhà còn phải tượng trưng cho ba thế hệ nhà mình, ông bà đã có công dựng đất, bố con mình phải xây nhà và giữ gìn tôn tạo các công trình trên đất, tuy vậy vẫn không thể thiếu nét đương đại và tiện nghi của một cuộc sống văn minh. Ngôi nhà còn phải mang triết lý của đạo nghĩa vuông tròn nữa."
Cảnh vật thiên nhiên yên bình, thư thái xung quanh ngôi nhà
Được biết, 90% các chi tiết của công trình được làm thủ công nên mỗi góc đều thắm đượm tâm hồn người thợ cùng chủ nhân của nó.
“Tôi gom lượm màu thời gian, màu cảm xúc, màu ký ức từ những chi tiết nhỏ nhất để tái hiện ngôi nhà. Nhà cũ tượng trưng cho thế hệ cha ông, nghệ thuật màu sắc và tiện nghi đương đại thể hiện cá tính và trí tuệ thế hệ con cháu, các tỷ lệ vàng của nghìn đời văn hoá truyền thống Việt được gìn giữ, phục dựng. Ngôi nhà cảm xúc được ra đời từ đó” – gia chủ chia sẻ.