Ngoại tệ là tài sản của người dân. |
Dự thảo Nghị định (NĐ) hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đã bỏ quyền cho, tặng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được quy định trong NĐ 160 trước đó.
Có quyền sở hữu sao không có quyền cho?
Bình luận về dự thảo NĐ này, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị tài chính Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nói thẳng là "chưa ổn". Theo ông, thực tế tuy có hiện tượng dùng ngoại tệ để mua bán hàng hóa nhưng "lách" bằng cách cho, tặng nhưng còn một thực tế khác phổ biến lâu nay là ngày lễ tết, người dân thường hay lì xì (hình thức của cho, tặng) nhau bằng ngoại tệ. Do đó việc cấm cho, tặng ngoại tệ là hạn chế quyền của người dân. Bên cạnh đó, Pháp lệnh Ngoại hối đã quy định rõ trên lãnh thổ VN chỉ được sử dụng tiền đồng trong thanh toán. Như vậy ngoại tệ được xem là hàng hóa, người dân có quyền sở hữu thì cũng nên có quyền quyết định cho, tặng.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, pháp luật đã thừa nhận tính hợp pháp khi người dân giữ, mang ngoại tệ. “Ngoại tệ cũng không phải hàng cấm thì sao lại cấm người dân cho, tặng? Quy định người dân không được quyết định tài sản của mình khi cho, tặng là vi phạm quyền của người dân”, ông đặt vấn đề. Theo chuyên gia kinh tế này, nếu NHNN muốn chống đô la hóa thì việc quy định rõ các thanh toán, giao dịch, cho vay… của các cá nhân trên lãnh thổ VN chỉ được phép sử dụng tiền đồng VN trong thanh toán, giao dịch hàng hóa dịch vụ, cho vay… là đủ.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Công ty luật quốc tế Sài Gòn, phân tích nếu cấm người dân cho tặng ngoại tệ sẽ vi phạm pháp luật cao hơn, đó là hiến pháp. Không thể một vài cá nhân lách mua bán, thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ qua hình thức cho, tặng mà lại đi cấm toàn bộ người dân quyền cho tặng ngoại tệ.
Kiều hối sẽ chuyển thành tiền đồng?
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc cấm các cá nhân cho, tặng ngoại tệ là không có tính khả thi. Đơn cử những người trong cùng gia đình "đóng cửa" cho, tặng ngoại tệ với nhau thì làm sao quản lý được? “Trong những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về VN khoảng 10 tỉ USD/năm, vậy lượng ngoại tệ này có được loại trừ trong quy định này hay không”, luật sư Xoa đặt vấn đề.
Ông Ngô Sang, đang làm việc trong một đơn vị tài chính và cư trú tại Q.7 (TP.HCM), đặt câu hỏi: Vậy không lẽ Việt kiều về nước chơi và không được phép cho người thân ngoại tệ? Về bản chất, việc này cũng giống như kiều hối. Vậy kiều hối từ nước ngoài chuyển về sẽ như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận xét thẳng thắn rằng nếu đã quy định không cho tặng ngoại tệ thì người nhận tiền kiều hối sẽ buộc phải nhận bằng tiền đồng VN. Trong khi đó, trước đây áp dụng quy định người nhận kiều hối bằng tiền đồng thì lượng kiều hối vào VN theo đường chui nhiều hơn đường chính thức nên không thể nắm được số liệu. Đến khi bỏ quy định này, người dân được phép nhận kiều hối bằng ngoại tệ, lượng kiều hối mới thông qua các ngân hàng, công ty chuyển tiền vào VN.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng cần phải xem xét thực tiễn có bao nhiêu trường hợp dùng hình thức cho tặng ngoại tệ để lách hành vi mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ. Những ai vi phạm việc dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán thì nên xử lý người đó. Còn việc chống tình trạng đô la hóa nên dùng các biện pháp kỹ thuật như lãi suất huy động thấp, tỷ giá ổn định… để người dân nắm giữ tiền đồng thay vì ngoại tệ tốt hơn là biện pháp không cho người dân cho, tặng ngoại tệ.