Ở Sài Gòn ngoài những cái nhất mà tôi biết được như: Người đông nhất, xe cộ nhiều nhất, tệ nạn xã hội không đâu bằng còn một cái nhất hiếm hoi và vô cùng ngạc nhiên là có người đàn bà đẻ nhiều con nhất. Thành phố nhộn nhịp, bon chen, xô bồ, cuộc sống dường như gấp gáp hơn, hối hả hơn thì người phụ nữ 39 tuổi ấy đang sống rất chậm để nếm đủ mùi vị của 10 lần vượt cạn hoàn hảo. 10 đứa con nhung nhúc như bầy cá mòi, nhem nhuốc, cáu bẩn, mình trần chân đất chạy tung tăng khắp hẻm lớn, hẻm nhỏ. Từ nhiều năm nay, tại khu phố 1 (phường 17, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM) người dân phong cho chị Trần Thị Uyên Phương danh hiệu: Người đàn bà đẻ khỏe nhất Sài Gòn.
Đệ nhất… đẻ
Tôi hỏi thăm cánh xe ôm ngoài giao lộ về chị Phương, tất cả đều lắc đầu không biết. Có người hỏi lại, Phương làm nghề gì, số nhà mấy, đường nào? Tôi không biết địa chỉ cụ thể nên hơi bối rối về câu hỏi của mấy anh xe ôm. Quả thật ở Sài Gòn này mà hỏi vu vơ, mênh mông về một cái tên như thế thì chỉ có đi mòn chân, mỏi gối cũng đành chịu. Tôi đánh liều hỏi nhà chị Phương ...đẻ nhiều. Tức thì, anh xe ôm à lên một tiếng: “Tưởng ai chứ người đó ở đây lạ gì. Cô chạy xe đến con hẻm 89 quẹo phải hỏi già trẻ trai gái nào cũng được, người ta chỉ cho”. Đúng như lời anh xe ôm nói, tôi hỏi thăm một bà già hom hem đầu hẻm, bà ta chỉ tay về phía người phụ nữ đang lúi cúi bán hủ tiếu mì: “Phương đẻ nhiều chứ gì, cô đang bán hàng ở cái bạt căng ra đường kìa”.
Chị Phương đẻ nhiều nhìn tôi nở một nụ cười ngượng nghịu và như đoán được tôi đang tìm chị, chị cất giọng trước: “Tôi đang bận bịu quá nè, không có thời gian rảnh đâu”. Tôi bảo chị cứ bán buôn đi, tôi sẽ ngồi chờ và trong những lúc rảnh tay, chị hãy nói chuyện với tôi.
Một miếng bạt dù được căng lên “lấn chiếm” lối đi cùng với bốn cái bàn nhựa, vài cái ghế nhựa, một nồi nước lèo nghi ngút khói, nhiều năm nay là nơi kiếm cơm cho bầy con chị Phương. Tôi không ngờ một người đàn bà vượt cạn 10 lần (chưa kể một lần cái thai hơn 6 tháng bị hư) vẫn còn nét xuân sắc xứng đáng cho một lời khen. Đôi ba người khách quen trong xóm, trong hẻm ghé tới ăn nhưng chỉ với một mình, chị Phương quay như chong chóng. Hết khách, chị tất tả ôm chồng tô chén vào nhà rửa. Chốc chốc, chị lại nghểnh cổ lên nạt hai ba đứa trẻ mình trần chân đất đang đùa giỡn ngoài đường. Rồi chị nhìn tôi chẹp miệng: “Khổ lắm cô ơi, vừa làm vừa trông nom lũ nhỏ. Tối mặt suốt không có ngày nào được thảnh thơi”.
Cứ thế, cả buổi sáng chắp nối, lắp ghép những mẩu chuyện, những lời than, tiếng thở của người đàn bà đệ nhất đẻ Trần Thị Uyên Phương khiến tôi vừa rùng mình vừa cảm thương. Thường lảng đi khi tôi hỏi về gia đình bởi ở đó, chị có quá khứ tủi cực, chua xót và đầy bất hạnh. Chị là một đứa trẻ bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi ngày khi cất tiếng khóc chào đời. Người cô giang tay cưu mang, lo cho ăn học. Nhưng con đường học của Phương cũng chỉ dừng lại ở lớp 6 bổ túc. Từ giã con chữ, chị bươn ra đời bán buôn nhỏ lẻ phụ cô trang trải cuộc sống. Chưa kịp mộng mơ, chưa kịp ao ước gì cho đời thì năm 17 tuổi, chị đồng ý về làm vợ của anh Mai Thanh Tú. Người đàn ông nhỏ thó, hơn chị vài tuổi làm nghề bốc xếp ở các khu chợ đầu mối. Gá phận cho người đàn ông, chị muốn tìm cho mình một bờ vai che chở, một mái ấm gia đình hạnh phúc mà suốt tuổi thơ chị thiếu vắng. Đứa con gái đầu lòng chào đời khi người mẹ chưa bước sang tuổi 18.
Rồi cứ thế, thường xuyên và liên tục trong chu kỳ sinh nở của người phụ nữ, chị Phương cho ra đời những đứa con đều đặn cách nhau 2 tuổi. Lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay, chị Phương tính về tuổi đời sinh nở của mình: 17, 20, 23, 25, 27, chị dừng lại ở mốc 27 với 5 đứa con. Lấy một hơi thật dài, chị đếm tiếp: 29, 31, 33, 35, 37. Trong vòng 10 năm, thêm 5 đứa nữa. Tổng cộng tròn 20 năm sinh đẻ là 10 đứa con, 7 trai, ba gái.
Giấc mơ con trẻ
Công việc sinh con đối với chị Phương chầm chậm, đều đặn nhưng phanh không kịp. Người đàn bà này coi việc sinh đẻ như chuyện thường ngày. Đơn giản, có bầu nhất định phải sinh, không bao giờ đi phá thai. Chị Phương quan niệm: “Phá thai là giết con mình mặc dù nó chưa chào đời nhưng khi đã hoài thai có nghĩa đã là một sinh linh. Mẹ chồng tôi thường xuyên đi chùa nên bà cũng tuyệt đối cấm chuyện bỏ thai. Chồng tôi cũng vậy, anh ấy bảo, có bầu là phải đẻ, đó là con mình”.
Lý do và quan niệm sinh con của vợ chồng chị Phương không phải việc xấu, trái lại còn khiến nhiều cần phải suy nghĩ, học tập. Nhưng trong thời buổi này, ở hoàn cảnh chạy ăn từng bữa, thì những đứa con của chị Phương đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Có nhiều biện pháp kế hoạch hóa gia đình sao chị không áp dụng? Chị Phương cười nhăn nhó: “Là do vỡ kế hoạch cả chứ tôi đâu định đẻ nhiều như vậy. Đứa thứ 3 tôi có đi đặt vòng nhưng không hợp cứ bị ốm, sốt hoài. Đặt vòng không được lại đẻ, rồi cũng uống thuốc này thuốc nọ phòng tránh mà ngặt nỗi công việc nhiều quá nên uống bữa đực bữa cái. Lại sinh tiếp”.
Được cái mắn đẻ, có bầu chị vẫn đi bán bưng, đi làm osin thời vụ, đi bán cà phê…Làm quần quật đến khi nào thấy cái bụng nó sụp xuống quá, cảm nhận được sự quay đầu của đứa trẻ chị mới nghỉ. Và chỉ một đến hai ngày nghỉ, y như rằng chị trở dạ. Chị nắm quá rõ quy luật trong việc sinh nở của mình và chị tự chuẩn bị cho mình tất cả giai đoạn trước và sau khi “nằm ổ”. Chị Phương cho biết, cả 10 lần sinh, chị chưa phải tới bác sĩ khám thai lần nào, cũng không siêu âm luôn. Trời thương bà mẹ mắn đẻ này, những đứa con của chị Phương đều ăn được, ngủ được. Không đứa nào phải gửi nhà trẻ, chúng tự chơi tự ăn rồi mệt thì tự lăn ra nhà ngủ.
Vừa lấy chén bún cho đứa thứ 10 ăn, chị Phương kể: “Vào đợt giao mùa, thời tiết nóng lạnh thất thường, mấy đứa nhỏ cảm sốt liên tục. Nhẹ thì cho ở nhà uống thuốc còn nặng lắm mới đưa đi bệnh viện. Có khi, ba bốn đứa đổ bệnh cùng lúc, cả hai vợ chồng phải nghỉ làm ở nhà chia nhau chăm sóc”. Nghèo đói triền miên vì đông con nhưng chị Phương chưa bao giờ ân hận vì những đứa con mình sinh ra. Chị cũng chưa khi nào có ý định sẽ cho con nuôi hay gửi người này người kia nuôi hộ. Chị muốn con chị dù đói rách vẫn được sống với cha mẹ, được yêu thương và che chở. Quá khứ của chị chính là tấm gương soi để chị không bao giờ lặp lại cho con mình. Chỉ sang nhà bên cạnh, chị bảo gia đình họ rất giàu nhưng chạy chữa mãi vẫn không có nổi mụn con. Họ nhìn chị sinh con mà thèm muốn.
Theo phân công thì chị Phương chịu trách nhiệm lo cái ăn, còn anh Tú chịu tiền học phí cho bầy con. Với 10 miệng ăn không ngừng lớn, không ngừng ăn như vậy, có những lúc họ đã kiệt sức. Đứa con gái lớn sinh năm 1991, giang dở việc học và đang làm bảo mẫu cho một câu lạc bộ ở quận 3. Đứa thứ hai đang học năm hai Cao đẳng cũng vừa phải nghỉ để nhường đường cho các em kế cận. Chép miệng một cái thật dài, chị Phương than: “Con nhỏ khóc ngất, mà biết làm sao, giờ nuôi miệng ăn không nổi thì lấy gì lo học phí cho nó”. Vậy là đã cắt được trợ cấp hai đứa cả về tiền ăn lẫn tiền học. Hiện tại còn 6 đứa đang tuổi học rải rác từ cấp 2 xuống lớp lá.
Gánh tủ tiếu mì của chị Phương vừa hết thì tiền lời kiếm được trong ngày cũng hết theo nồi nước lèo. Hôm nào bán ế thì khỏi phải đi chợ, sẵn đó cho mấy đứa nhỏ ăn. Căn phòng vợ chồng, con cái chị Phương đang ở là một phần phía sau của một ngôi nhà đã bị cắt bán đi một nửa phía trước. Còn lại diện tích hơn 20m2 có cái gác nhỏ là nơi nương náu của 12 nhân khẩu gia đình chị Phương cùng một mẹ già. Đêm đến, lũ trẻ xếp lớp ngủ ngang dọc, chật cứng trên nên nhà.
Với thành tích đẻ vượt trội của chị Phương, nhiều lần cán bộ khu phố đã tới góp ý và khuyên nhủ. Chính quyền địa phương từng cho tiền và hỗ trợ chi phí để chị Phương đi bệnh viện triệt sản nhưng đều không thành. Về vấn đề này, chị Phương phân trần: “Tôi bị máu loãng lại huyết áp cao. Sinh xong đứa thứ 10 tôi đã ký vào đơn để lên bàn mổ rồi chứ nhưng chồng tôi không chịu ký. Anh sợ xẩy ra chuyện gì thì không chịu trách nhiệm nổi”. Giờ kinh nghiệm đầy mình nhuần nhuyễn trong việc “kiêng cữ” lắm rồi. Chị Phương cho hay mình đang uống thuốc rất đều đặn. Đứa út gần được 3 tuổi nhưng vẫn chưa xẩy ra “sự cố” vỡ kế hoạch nào. Chị quả quyết từ nay sẽ không để xẩy ra sự cố nữa, chị sợ cảnh nghèo nàn, con cái nheo nhóc lắm rồi.
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU