Prabhakar cho biết: "Tôi nhận được cuộc gọi rằng có một con rắn hổ mang được nhìn thấy gần một ngôi nhà ở dòng sông nhỏ. Ngay sau đó, tôi và bạn của mình đã tới hiện trường. Khi thấy con rắn hổ mang ở dưới sông, tôi đã đi lên một thân cây bị đổ và tiếp cận con vật".
Trong clip được ghi lại, Prabhakar đang dùng một cây gậy chuyên dụng để bắt con rắn khổng lồ dưới sông. Tuy nhiên, trong lúc bắt con rắn độc, cây gậy bị lỏng ra và con rắn hổ mang chúa lập tức lao tới tấn công khiến Prabhakar trượt chân và ngã xuống.
May mắn thay, với phản xạ nhanh nhạy, anh đã tóm được đầu con rắn và khống chế được nó. Sau khi giải cứu, con rắn hổ mang được mang thả vào rừng sâu, nơi cách xa khu dân cư sinh sống.
Hổ mang chúa có tên khoa học Ophiophagus hannah, thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ), phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa khoảng 7m. Hổ mang chúa được đánh giá là loài nguy hiểm vì nọc cực độc, tuy nhiên chúng không chủ động tấn công con người.
Khi vào cơ thể, nọc độc của rắn hổ mang chúa sẽ tấn công thẳng tới hệ thần kinh trung ương, gây mờ mắt, đau nhức, buồn ngủ, chóng mặt và tê liệt thần kinh. Sở dĩ nọc độc rắn hổ mang chúa đáng sợ vì nó chứa một hợp chất gồm các độc tố thần kinh và cytotoxin. Đó đều là những chất có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào.
Theo các chuyên gia, rắn hổ mang chúa có khả năng giết chết nạn nhân thông qua một vết cắn có chứa từ 200 – 500mg nọc độc. Thông thường, vết cắn của rắn hổ mang chúa có thể giết chết người chỉ sau 30 phút.
Rắn hổ mang chúa có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Chúng tiết ra chất độc được chứa trong 1 túi cơ của tuyến nọc nằm ở vòm họng. Túi cơ này sẽ co bóp đưa nọc độc đến răng nanh khi tấn công con mồi.
Đặc biệt, rắn hổ mang chúa có thể phun tối đa tới 7 ml nọc độc, lượng nọc độc này có thể giết chết một con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành thiệt mạng.
Khi bị rắn cắn, nọc độc phát tán ra cơ thể làm liệt tứ chi, cơ hô hấp trong thời gian rất nhanh. Trong trường hợp khống chế không cho nọc độc phát tán, nếu không có huyết thanh kháng nọc, bệnh nhân sẽ suy đa phủ tạng, tổn thương tim dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo người bị rắn độc cắn cần đến bệnh viện ngay để được điều trị, truyền huyết thanh giải nọc độc kịp thời, tránh nọc độc xâm nhập vào các bộ phận cơ thể khiến quá trình điều trị khó khăn, tốn kém thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.