Vương quốc Anh vẫn đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới, song chính phủ đã quyết định dỡ bỏ phần lớn các lệnh hạn chế COVID-19 vào “Ngày Tự do” 19/7.
Người dân thủ đô London tập trung tại một trong những sự kiện âm nhạc sống từ nửa đêm, nhảy theo vũ điệu và tận hưởng niềm vui cùng nhau. Các chuyên gia dịch tễ có thể còn hoài nghi nhưng dường như nhiều người Anh trẻ tuổi đã cảm thấy “quá đủ” cho một năm rưỡi phong tỏa, và giờ họ thực sự mong muốn một bữa tiệc.
Sàn nhảy tại một câu lạc bộ ở London không lâu sau khi các quy tắc hạn chế chống COVID-19 được dỡ bỏ. (Ảnh AP) |
“Tôi đã không được nhảy từ phải nói là lâu lắm rồi”, Georgia Pike, 31 tuổi cho biết. “Tôi muốn nhảy, muốn nghe nhạc sống, muốn tận hưởng không khí một buổi biểu diễn giữa đông người”.
Cũng có những lo ngại khi làn sóng dịch bệnh mới với hơn 50.000 ca COVID-19 một ngày đang tràn ra trên khắp nước Anh. “Tôi hào hứng nhưng cũng lo lắng về điều có thể sắp xảy ra”, Gary Cartmill, 26 tuổi nói.
Sau khi tăng tốc tiêm vaccine, gần như là nhanh nhất trong các nước châu Âu, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang tin rằng Anh có thể tái mở cửa hoàn toàn khi những người đã tiêm chủng ít khả năng mắc COVID-19 hơn, hoặc có mắc thì triệu chứng cũng không bị nặng.
Dư luận Anh dường như có những luồng ý kiến khác nhau về các hạn chế chống dịch: Một số muốn các biện pháp nghiêm ngặt tiếp tục được thực hiện vì lo ngại số người chết gia tăng, nhưng những người khác đã tới “giới hạn” với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất từng được áp dụng trong lịch sử thời bình.
Xe cảnh sát bên ngoài câu lạc bộ đêm Egg ở London sau khi những lệnh hạn chế COVID-19 cuối cùng được dỡ bỏ. (Ảnh: AP) |
Người dân xếp hàng vào câu lạc bộ Egg. (Ảnh: AP) |
Chủ sở hữu các doanh nghiệp, bao gồm các câu lạc bộ đêm, công ty du lịch và ngành công nghiệp khách sạn, đã tha thiết chờ đợi nền kinh tế mở cửa trở lại. Trong khi đó nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh và người trẻ tuổi cũng đã lặng lẽ bỏ qua những quy tắc khó chịu nhất.
Thủ tướng Boris Johnson dù vậy vẫn kêu gọi công chúng cẩn thận. “Nếu chúng ta không làm bây giờ thì bao giờ mới làm? Đó là điều chúng ta sẽ tự hỏi mình. Giờ đã đến lúc nhưng chúng ta phải làm cẩn thận. Chúng ta vẫn phải nhớ rằng thật không may virus vẫn đang ở ngoài kia”.
Bản thân ông Johnson và Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak cũng đang tự cách ly vì có tiếp xúc với người mắc COVID-19. Hai người từng tham gia thử nghiệm việc xét nghiệm hàng ngày để không bị cách ly, tuy nhiên kế hoạch này bị người dân Anh phản đối dữ dội và cho rằng có ngoại trừ đối với các quan chức của đất nước.
Nếu vaccine tiếp tục chứng minh tính hiệu quả trong việc giảm các ca bệnh nặng và tử vong, dù số ca lây nhiễm gia tăng kỷ lục, quyết định của Thủ tướng Anh có thể là hướng tiếp cận cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao khác để trở lại bình thường.
Nhưng chiến lược cũng đi kèm rủi ro, chủ yếu đến từ việc một biến chủng mới kháng vaccine có thể xuất hiện, hoặc số ca bệnh tăng quá cao khiến nền kinh tế bị đình trệ.
Anh có số người chết vì COVID-19 cao thứ 7 thế giới, 128.708 người, và được dự đoán sẽ sớm có nhiều ca mắc mới hàng ngày hơn cả làn sóng thứ hai hồi đầu năm. Anh là quốc gia nổi trội trong số các nước châu Âu trong việc tiêm chủng. 87% người trưởng thành ở Anh đã tiêm một liều vaccine, hơn 68% tiêm hai liều. Số ca tử vong hàng ngày hiện ở mức khoảng 40 ca, giảm đi rất nhiều so với hơn 1.800 ca mỗi ngày hồi tháng 1.