Một mẫu thịt bò được ướp theo kiểu ướp xác của người Ai Cập cổ đại. |
Vì lý do đó, họ đã tiến hành ướp nhiều loại thịt với phương pháp tương tự như ướp xác.
Nhiều chiếc hộp được sử dụng như tủ đông không có ngày hết hạn, trong đó chất đầy những loại ngũ cốc, bánh mì, rượu vang, bia, dầu và thịt - thức ăn của những người giàu có – được tẩm ướp hương liệu và quấn chặt bằng vải lanh.
Nghiên cứu các mẫu “thịt ướp” lấy từ các ngôi mộ được xây dựng vào thế kỷ 14 trước Công nguyên cho thấy: những hộp thức ăn này không phải được làm một cách bừa bãi. Công sức và chi phí đổ vào việc chuẩn bị ướp thực phẩm tương đương với việc ướp xác người, nếu như chủ nhân đủ tiền để chi cho việc đó.
Salima Ikram, một nhà nghiên cứu về Ai Cập, Đại học Mỹ tại Cairo chuyên tìm hiểu về thịt ướp đã thực nghiệm ướp xác thỏ và cá trong phòng thí nghiệm của mình, cho biết: “Các chất tẩm ướp khiến cho miếng thịt ngon hơn, gần giống như thịt bò khô Teriyaki chứ không phải là thịt bò bình thường nữa”.
Ikram và các đồng nghiệp đã kiểm tra mẫu thịt dê, thịt bê, thịt vịt và thịt bò xương sườn trong Bảo tàng Cairo và Bảo tàng Anh. Trong các mẫu xương sườn thịt bò, khai quật từ các phòng chứa riêng của gia đình hoàng gia, họ tìm thấy nhựa cây hồ trăn trong băng quấn; có thể chính chất này đã tạo nên hương vị thịt.
Nhựa cây thường được tìm thấy trong các xác ướp, nhưng loại nhựa đặc biệt này là một thứ hàng xa xỉ, có nguồn gốc từ Syria và Lebanon.
Sau cả thiên niên kỷ, các mẫu thực phẩm ướp nhìn vẫn khá ngon miệng. Ikram cho biết: “Thịt gia cầm trông giống như bạn vừa đi mua từ siêu thị về, dù chúng đã gần 4.000 năm tuổi”, ngoại trừ phần vải quấn bên ngoài.
Theo nghiên cứu, vua Tutankhamen (khoảng 1341-1323 trước công nguyên) có khoảng 40 hộp thịt được ướp theo phương pháp này.