Ngột ngạt vì người yêu quá keo kiệt

(Kiến Thức) - Bạn trai em xét trên mọi phương diện đều ổn, ngoại trừ mỗi việc anh ấy quá tiết kiệm, đến mức gần như keo kiệt.

Ngột ngạt vì người yêu quá keo kiệt
Bạn trai em xét trên mọi phương diện đều ổn, ngoại trừ mỗi việc anh ấy quá tiết kiệm, đến mức gần như keo kiệt. Đi chơi với em, anh hà tiện đã đành, với bạn bè lại càng tính toán, ăn uống không bao giờ chủ động mời, nếu có đi chơi chung thì cũng tìm cách lẩn trốn để khỏi phải trả tiền. Xấu hổ nhất là lần mẹ em ốm, anh tới chơi mang theo một túi cam vàng héo. Em góp ý nhiều lần, nhưng anh lại chê trách em hoang phí, anh làm thế cũng vì tương lai hai đứa. 
Quả thực, anh mua được nhà, có được chút vốn kha khá... cũng là điều mà không phải chàng trai tỉnh lẻ nào lên thành phố cũng làm được. Nhưng ở bên anh ấy em thấy rất ngột ngạt về chuyện tiền bạc, dù không túng thiếu. Em không biết do em đặt tiêu chuẩn quá cao về người yêu, hay anh ấy thực sự có vấn đề? - Nguyễn Hải Yến (Nam Định).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hải Yến thân, trong lúc nhiều cô gái phải đau đầu vì chuyện người yêu tiêu  pha hoang phí, không biết lo toan cho tương lai thì việc bạn trai em chỉn chu, có ý thức tiết kiệm là một điều rất đáng quý. Tuy nhiên, cái gì quá thì lại dễ chuyển sang thái cực khác. 
Việc bạn trai em quá coi trọng đồng tiền, vì nó mà biến thành người kém trong ứng xử, giao tiếp... thì anh ấy đã phần nào bị đồng tiền điều khiển mất rồi. Anh ấy có nhà, vốn liếng, tiền bạc không túng thiếu... nhưng liệu vật chất ấy có ý nghĩa gì với em khi nó chẳng mang lại cho em niềm vui, hạnh phúc, ngược lại chỉ là sự ngột ngạt? 
Cuộc sống hôn nhân kéo theo nhiều mối quan hệ chung của cả hai người, nếu thời điểm này em đã không chịu được cách hành xử của anh ấy thì chắc chắn sau này sẽ là những mâu thuẫn liên miên. Đây không thuộc vấn đề về tiêu chuẩn em ạ, mà là sự xung đột trong quan điểm sống, nếu không thể dung hòa được thì em hãy cân nhắc cho sự dừng lại. 

Tủi phận lấy phải chồng giàu mà “keo“

Tủi phận lấy phải chồng giàu mà “keo“
Chồng em hơn em 9 tuổi, anh ấy là giám đốc một công ty, thu nhập tốt. Còn em là nhân viên văn phòng trong cơ quan nhà nước, lương chẳng đủ tiêu. Chính vì vậy mà sau khi em sinh con, chồng em đề nghị em không đi làm nữa, ở nhà chăm con.

Anh ấy bảo tiền thuê ôsin chăm con còn cao hơn lương đi làm của em mà lại không yên tâm. Nghe chồng nói có lý, em đồng ý. Nhưng giờ đây, em thấy nuối tiếc vì đã quyết định quá vội vàng.

Mọi việc chi tiêu trong gia đình và cả cho bản thân, em hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Đôi khi muốn mua biếu bố mẹ, anh chị em mình một món quà cũng phải hỏi xin anh ấy.

Chồng em kiếm được nhiều tiền, nhưng lại khá chi li, anh ấy nói cần phải tiết kiệm cho những rủi ro, mỗi tháng chỉ đưa em một chừng mực nhất định. Em rất muốn đi làm nhưng em chẳng biết bắt đầu từ đâu, em nghỉ quá lâu rồi, cảm giác như người tụt hậu vậy, vả lại chồng em cũng phản đối, vì giờ em đã có thêm bé thứ 2.

Xin hãy cho em lời khuyên 

(Nguyễn Thúy Quỳnh - Việt Trì, Phú Thọ).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thúy Quỳnh thân, trong thư em không nói rõ hai cháu nhà em đã được mấy tuổi rồi, có đi học mẫu giáo không? Thực ra, có không ít những gia đình chỉ người chồng đi làm, còn vợ ở nhà đảm nhận việc nội trợ. Nó tùy vào hoàn cảnh và sự thỏa thuận, phân công công việc giữa hai vợ chồng, nhưng quan trọng là phải có được sự vui vẻ, thoải mái.

Trường hợp của em, em định đi làm trở lại chỉ vì muốn được tự chủ về kinh tế, thì em có thể nói rõ với chồng lý do để xem ý anh ấy thế nào. Nếu thực sự muốn em ở nhà chăm sóc các con, thì anh ấy có thể cân đối lại mức tiền đưa cho em, để em cảm thấy được thoải mái, tự do hơn trong việc chi tiêu. Còn nếu không, em hãy "thương thuyết" với chồng về việc sắp xếp trông nom hai bé, có thể là cho đi học hoặc mướn người giúp việc... để em đi làm.

Việc nghỉ quá lâu khiến em cảm thấy bỡ ngỡ thời gian đầu, nhưng em yên tâm, chỉ cần tìm được việc làm, em sẽ nhanh chóng thích nghi thôi. Chúc em vui. BÀI ĐỌC NHIỀU

Chồng thực dụng

Cô sống thiên về tinh thần, tình cảm; còn anh quá nặng về vật chất. Cứ mở miệng ra là họ cãi nhau.

Chồng thực dụng

Lúc mới quen, cô rất nể phục anh vì tính chịu khó, siêng năng và tinh thần cầu tiến, ham học hỏi dù anh đã có một cơ ngơi đáng kể.

Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em nên anh luôn muốn thoát khỏi cái nghèo bằng mọi cách. Trong nhà anh, chỉ có anh thành đạt nên anh nghiễm nhiên là trụ cột kinh tế và là niềm tự hào của cả gia đình.

Lẽ ra cô phải hạnh phúc khi có được một người chồng như thế nhưng mặt trái của những ưu điểm đó đã bộc lộ khi hai người thành vợ chồng. Thành đạt từ lúc còn khá trẻ nên anh rất tự mãn, coi thường người khác nếu họ thua kém anh. Anh luôn xem tiền là thước đo của mọi giá trị, lúc nào cũng nghĩ đến việc làm sao để có thật nhiều tiền, bất chấp mọi điều, kể cả lòng tự trọng và sĩ diện. Cô không cho rằng sự gian khó thuở ấu thơ đã ám ảnh anh đến mức tôn thờ đồng tiền đến vậy, bởi nhiều người cũng nghèo, thậm chí còn nghèo hơn anh mà người ta có nô lệ đồng tiền đến vậy đâu? Người quen đến nhà chơi với bộ dạng không được tươm tất thì y như rằng anh cho là họ muốn nhờ vả gì đó, tỏ thái độ khinh khỉnh ra mặt, khiến họ chẳng muốn lui tới thêm lần nào nữa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ngược lại, anh luôn ân cần, niềm nở với những người thành đạt, khá giả. Người thân ở quê gặp khó khăn, hỏi vay tiền, anh tính lãi sòng phẳng. Em trai cô bị hư xe, mượn xe cô đi làm đỡ một bữa. Lúc trả xe, anh cứ nhăn nhó khi thấy cậu em đi hết xăng mà quên đổ. Anh với một đồng nghiệp kèn cựa nhau vì một khoản huê hồng nào đó ăn chia không đều, cô khuyên anh bỏ qua vì số tiền không đáng nhưng anh không chịu. Vụ việc lùm xùm thế nào tới tai sếp, kết quả là cả hai cùng bị kỷ luật! Anh ra làm ăn riêng nhưng cũng chẳng ai hợp tác với anh được lâu vì không chịu nổi tính “cò kè bớt một thêm hai”, “xem đồng tiền to như bánh xe bò” của anh.

Cô khuyên anh rất nhiều, rằng cuộc sống không chỉ cần có tiền nhưng anh bảo cô sống giữa thời buổi này mà cứ như người trên mây, không thực tế. Mâu thuẫn giữa họ trở nên trầm trọng khi cả hai ngày càng tiến về hai thái cực đối nghịch nhau: cô sống thiên về tinh thần, tình cảm; còn anh quá nặng về vật chất. Cứ mở miệng ra là họ cãi nhau. Cô thấy lo sợ vì đây là khởi điểm dẫn đến sự tan vỡ của nhiều cặp vợ chồng. Dần dần, cô có thói quen câm lặng, nín nhịn mọi thứ cho nhà cửa đỡ ồn ào, con cái đỡ bị tổn thương nhưng cứ như vậy hoài xem ra cũng không ổn.

Kể lại với tôi, cô kết thúc bằng câu hỏi: với người chồng chỉ biết có tiền, thậm chí xem tiền quan trọng hơn cả vợ con, cô phải sống vì lẽ gì: vì tình, vì nghĩa hay vì con?

Vợ chồng nhà hàng xóm

Hình ảnh ông chồng hàng xóm đẹp trai, lịch lãm, chiều vợ… lướt qua nhưng không còn long lanh trong tâm trí chị nữa.

Vợ chồng nhà hàng xóm

Nhà hàng xóm mới chuyển đến, cửa sổ gần ban công dường như rất ít khi đóng. Ngoài ban công có mấy chậu hoa nho nhỏ, xinh xinh.

Buổi tối, hai vợ chồng trẻ thường ngồi đó uống trà. Họ trò chuyện, cười đùa, có khi còn hôn nhau đắm đuối.

Ngày nghỉ, cô vợ mang quần áo lên phơi, anh chồng đứng bên cạnh. Ngày lễ, anh chồng đi làm về ôm một bó hoa nhìn đã thấy mê. Cô vợ đón chồng ở cổng ngất ngây với hoa và những nụ hôn.

Trước đây thì ít nghĩ, nhưng từ khi nhà hàng xóm dọn đến, nhìn sang chị bỗng cảm thấy chạnh lòng.

Chồng người chu đáo, ga-lăng, lãng mạn là thế, ai lại dùi đục như chồng mình. Không còn là vợ chồng son nhưng cũng đâu đã già, vậy mà nhiều khi muốn nhõng nhẽo hay bày đặt hẹn hò với chồng cho cuộc sống bớt nhàm chán, đơn điệu, chị lại bị mắng là vẽ chuyện, rỗi hơi. Bật ti vi thấy bộ phim hay rủ chồng xem cùng thì chồng chẳng thèm ngó, phán luôn: Mấy cái phim Hàn sến hết chỗ nói, coi làm chi cho mất thời gian. Rồi chồng bỏ vào phòng trong bật ti vi xem bóng đá. Ngày thì mải miết với công việc, tối về mỗi người ôm một cái ti vi, cứ như thể chẳng liên quan gì đến nhau.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Buổi chiều đi làm về, vô tình nhìn thấy chồng hàng xóm chở vợ đến spa làm đẹp. Lại nghĩ đến chồng mình mà ngậm ngùi. Cả ngày đi làm vùi đầu vào máy tính, về nhà con cái, cơm nước đủ việc, chẳng còn thời gian tập tành mấy bài thể dục cơ bản. Hôm rồi bước lên cân, phát hoảng mới lên kế hoạch ăn kiêng. Cũng chẳng tốn tiền, cũng không mất thời gian vậy mà chồng cáu: Béo một chút có chết ai mà em phải hành cái thân cho khổ. Mua cái váy diện cho chồng ngắm thì nhận được cái lắc đầu: Mặc bó sát người như thế thì thở làm sao được? Ấm ức chị tự hỏi: Không hiểu sao ngày xưa mình lại chọn ông ấy làm chồng.

Chán! Từ đấy cũng chẳng muốn thay đổi chồng nữa, mỗi ngày cứ để cuộc sống nhạt nhẽo tự trôi qua. Nhưng, từ ngày nhà hàng xóm dọn đến, cứ mỗi lần mở cửa trông sang, trong lòng lại trỗi dậy những ao ước...

Bẵng đi mấy hôm, không thấy cửa sổ nhà hàng xóm mở. Cổng ngoài cũng khóa lạnh tanh. Nghĩ chắc vợ chồng họ đưa nhau đi du lịch rồi. Trong đầu lại nảy ra so sánh: Cũng là phụ nữ, sao người ta an nhàn, sung sướng thế kia? Cách nhau có một bức tường mà sao cuộc sống khác nhau nhiều đến thế?

Chiều muộn đi làm về thấy nhà hàng xóm treo biển bán nhà. Không hiểu sao có chút hụt hẫng. Bác hàng xóm cạnh nhà chạy sang mượn cái bật lửa, tiện thể đứng lại buôn mấy câu: Đúng là đời chả biết thế nào. Hôm trước thấy vợ chồng vẫn ríu rít bên nhau mà hôm nay đã đưa nhau ra tòa. Nghe phong thanh anh này có bồ nhí, còn có cả con riêng.

Đứng lặng người lúc lâu. Hình ảnh ông chồng hàng xóm đẹp trai, lịch lãm, chiều vợ… lướt qua nhưng không còn long lanh trong tâm trí chị nữa. Lại nhớ đến lời nhắc khéo của chị đồng nghiệp cùng phòng: Gỗ sơn trông bóng loáng nhưng chắc gì đã bền. Đừng có trông sang cái ban công nhà hàng xóm rồi mơ nọ, ước kia. Hãy nhìn vào nhà mình xem, cái gì dùng lâu mà chẳng cũ, có khi còn bám đầy bụi bặm. Lo mà lau dọn và tân trang lại đi, chỗ nào tối và lạnh thì thắp đèn và treo tranh lên cho nó ấm áp, sẽ thấy nhà mình cũng đẹp lung linh đấy.

Đọc nhiều nhất

Tháo chạy khỏi hôn nhân sau đám cưới chỉ hai tuần

Tháo chạy khỏi hôn nhân sau đám cưới chỉ hai tuần

Chỉ một tuần sau cưới, cô gái ở Nam Định phát hiện chồng làm một người con gái khác có bầu. Thêm một tuần nữa để cô quyết định ly hôn. Còn có cô dâu nọ ở Bạc Liêu, chỉ hai ngày sau cưới đã tháo chạy...

Tin mới

Nam giới ăn gì bổ tinh hoàn?

Nam giới ăn gì bổ tinh hoàn?

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe toàn diện mà còn nâng cao chức năng tinh hoàn, hỗ trợ quá trình sinh tinh và sản xuất hormone sinh dục.