Theo ông Trường (53 tuổi, ở làng Kiệu Sơn, xã Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đây là cách để ông gìn giữ và bảo vệ những cổ vật mà cha ông để lại.
Sau khi xuất ngũ năm 1989 ông Trường về quê lấy vợ và làm nghề sơn bàn ghế kiếm sống. Niềm đam mê sưu tầm đồ cổ đến với ông thật bất ngờ. Trong một lần đi sơn bàn ghế cho một ông lão buôn bán đồ cổ nổi tiếng trong huyện, được nghe ông lão giới thiệu về đồ cổ và tận mắt chứng kiến những món đồ độc đáo sưu tầm được làm ông Trường mê tít đồ cổ từ lúc nào không hay.
Để có được số chén, đĩa, bình gốm cổ trên ông đã phải lăn lộn khắp các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Lào Cai… để tìm kiếm và mua lại. Trong số đồ cổ đó lượng đĩa cổ chiếm hơn một nửa, nhiều chiếc đĩa cổ, chén, bình gốm cổ quý giá mà ông Trường sưu tầm được có niên đại từ thế kỷ 17, 18.
Chủ nhân của ngôi nhà, ông Nguyễn Văn Trường |
Bỏ hết tiền bạc vốn liếng của gia đình đi mua đồ cổ nhưng mua được chừng nào ông mang hết về nhà lau chùi sạch sẽ rồi cất giữ mà không bán. Hết vốn, ông vay mượn bạn bè tiền rồi xách balô đi khắp các xã huyện lân cận tìm đồ cổ, có lần ông đi liền cả tháng trời.
Nghe tin ở đâu có chén bát cổ, đồng xu cổ… ông lại tìm đến mua, ngày đó mỗi chiếc đĩa cổ ông mua từ 100.000 - 200.000 đồng, không có tiền ông lại đi vay để mua cho bằng được món đồ cổ mình thích. Vì quá đam mê nên ông Trường dành hết thời gian đi mua, sưu tầm đồ cổ, còn cuộc sống gia đình, con cái dựa vào vợ.
Ông Trường kể lại: “Lúc đầu tôi vay mượn xóm làng, anh em nhưng về sau người ta biết tôi lấy tiền nướng vào đồ cổ nên không ai cho mượn nữa. Cắm cái sổ đỏ được hơn 10 triệu tôi dành hết để mua. Mua xong không có tiền bắt xe về quê vậy là đi bộ mấy ngày liền để mang đồ cổ về nhà”.
Từ trong nhà, ngoài sân đến cổng ra vào đều được trang trí bằng những mảnh gốm sứ có niên đại từ các triều đại Hán, Đường, Tống, Lý, Trần.... |
Các đồng xu cũng được gắn kết tạo thành tác phẩm để trang trí cho ngôi nhà |
Phía trước cổng được gắn kết hàng trăm chiếc đĩa, bình sứ cổ |
Không gian phía bên trong ngôi nhà nhìn hết sức lạ mắt và độc đáo |
“Ban đầu tôi cũng bực tức ngăn cấm nhưng thấy ông ấy đam mê quá nên đành chiều chồng, năm ngoái tôi mới trả hết 30 triệu tiền nợ ông ấy vay hàng xóm đi mua đồ cổ”, bà Hồ Thị Nga, vợ ông Trường, chia sẻ.
“Người ta bảo tôi bị điên, bị khùng, cơm không có ăn lại đi chơi đồ cổ, có người lại bảo chơi đồ cổ mà gắn lên tường như vậy chẳng khác nào phá hoại đồ cổ nhưng tôi lại nghĩ khác. Chỉ có cách gắn hết lên tường như vậy tôi mới bảo vệ được những di sản mà ông cha ta để lại, làm như vậy tôi cất giữ được nhiều cổ vật mà không lo bị mất trộm hay lo bị ai bán đi mất. Tôi dặn con sau này lấy vợ có tiền thì mua đất xây nhà khác để ở chứ không được bán hay đập phá căn nhà này”, ông Trường nói.
“Nhìn đồ cổ bị người ta mua rồi bán ra nước ngoài tôi buồn lắm. Bán hết đi mai này lấy gì để lại cho con cháu, làm sao để con cháu đời sau biết được tài hoa chế tác ra những hoa văn trên chén, đĩa, đồ gốm cổ?! Nghĩ vậy nên dù khó khăn nghèo đói thế nào tôi cũng mua cho được những món đồ quý”, ông Trường bày tỏ.