Làng Long Sơn thuộc địa phận của xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 40km về phía Tây Nam, cách TPHCM khoảng gần 100km.
Xã Long Sơn có diện tích 92 km2, trong đó có 54km2 là đất liền, còn lại là đất ngập mặn, được bao bọc 4 bề bởi kênh rạch, sông, biển. Long Sơn trước đây là một đảo nhỏ nằm men theo triền của núi Nứa - cái tên đã từng được dùng làm địa danh cho cả hòn đảo, là đoạn cuối của dãy núi Phước Hoà đâm ra biển.
Theo sử sách, ngôi làng Long Sơn được thành lập cách đây hơn một thế kỷ bởi Ông Trần. Ông vốn có tên thật là Lê Văn Mưu, nhưng người dân xã đảo thích gọi bằng tên theo kiểu miền Nam hơn: gọi là Ông Trần vì ông hay ở trần khi phát quang ruộng rẫy, hoặc gọi là ông Nhà Lớn.
Theo thông tin trên báo Bà Rịa Vũng Tàu: Ông Trần là người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, nay là xã Tân Khánh Hòa, thị trấn Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Khoảng năm 1900, ông cùng đoàn người trên 5 chiếc thuyền lớn đã cập bến cù lao Núi Nứa (đảo Long Sơn ngày nay) trên hành trình trốn chạy sự truy nã của giặc Pháp. Thấy nơi đây phong thủy hữu tình, có thế núi sông, biển cả nên ông quyết định dừng thuyền, lập làng.
Sau đó, ông tiếp tục sáng lập ra "đạo Ông Trần". Trên báo Du lịch, cụ Võ Văn Chót, một trong những cao niên của làng cho biết: "Gọi là đạo, nhưng thực chất người ta không mê tín dị đoan, không chuông mõ, kinh kệ, không "li gia cắt ái" mà chỉ là những lời truyền tụng, sống theo đạo lý, lối sống có đạo đức".
Theo đó, mọi người có tục lệ để tóc dài, mặc áo bà ba, khăn đóng và… đi chân trần giống y như những con người dân vùng Bảy Núi, quê hương gốc của Ông Trần.
Ông cũng là người có công xây dựng khu quần thể Nhà Lớn Long Sơn gồm những dãy nhà rất lớn, đồ sộ gần như… Đại nội Huế với số tiền cũng rất lớn. Việc xây dựng kéo dài trong suốt 8 năm. Nhà Lớn Long Sơn được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991.
Ở Long Sơn, chuyện dựng vợ gả chồng có nhiều khác biệt so với những nơi khác, bởi ở đây không bao giờ tổ chức lễ cưới, ăn hỏi cũng như rước dâu gì. Các cặp đôi ở Long Sơn chỉ cần sắm lễ cau trầu, mời gia đình hai bên đến nói chuyện là được coi như đã thành vợ chồng. Bà con họ hàng, lối xóm có thể mang bánh trái đến chúc phúc, nhưng tuyệt đối không tổ chức tiệc tùng hay mời mọc rình rang.
Trên báo Tuổi trẻ nhấn mạnh một điều kỳ lạ hơn nữa là đám cưới không cần xem ngày mà chỉ chọn một trong 2 ngày trong tháng là 16 hoặc mồng 1 âm lịch, và giờ hành lễ là giờ thìn (khoảng 8g sáng)… Dù lễ cưới giản đơn, không rườm rà, nhưng tỷ lệ ly hôn ở Long Sơn rất ít. Người dân nơi đây cho rằng ly hôn là điều cấm kỵ, do vậy, các cặp vợ chồng ở đây luôn sống hòa thuận, bình yên và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Một điều khác khiến nhiều người khó tin khi đặt chân đến đây là tín ngưỡng dùng chung quan tài cho người chết. Nói về điều này, trên báo Công an nhân dân, bà Ba Kiềm, cháu nội đời thứ 4 của Ông Trần chia sẻ: “Do quan niệm của đạo Ông Trần là sống thì đồng sàng, đồng mộng, đồng cam cộng khổ nên chết cũng phải nằm đồng quan, tức là chung một chiếc quan tài, để thể hiện rằng mọi người sinh, tử trong cõi nhân gian này là hoàn toàn bình đẳng. Đó chính là điều giáo huấn cuối cùng của đời người mà đạo Ông Trần muốn gửi đến con cháu”.
Theo đó, khi có người mất, những người sống không đóng quan tài riêng để chôn. Cả đạo có một cái hòm chung mà họ gọi là “bao quan”. “Bao quan” được đặt tại Nhà Lớn. Khi có người chết họ thỉnh và rước “bao quan” về nhà liệm người chết vào đó. Di quan ra nghĩa địa, trước lúc hạ huyệt người ta mở nắp bao quan chuyển thi hài sang liệm vào đôi chiếu cói và chôn. Còn “bao quan” vẫn giữ nguyên và đưa về chỗ cũ trong Sơn Long hội, chờ đám tang mới...
“Bao quan” được đan bằng tre và có màu đỏ. Khi tạ thế, nhà nghèo cũng như nhà giàu, người già cũng như người trẻ, đều không có kèn trống, không tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận phong bao điếu phúng. Nghĩa là phần nghi lễ rất gọn nhẹ, không nặng hình thức rườm rà.
Đưa đám không dùng xe tang, thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa, có thể là nơi quy định của xã hoặc một khu rẫy nào đó của gia đình. Những người sống xả tang ngay tại huyệt, nam đứng bên trái, nữ đứng bên phải. Sau đám tang, gia đình có người chết phải kiêng cữ ba năm sống nghèo khó.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại