Xưa các cụ ta vẫn có câu: "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè". Cũng bởi cái ý niệm như vậy mà hằng năm trên khắp cả nước lại có cả hàng nghìn lễ, hội được diễn ra. Dân ta nô nức đi chùa chiền, đình thờ, từ hội Phủ giầy, hội đền Mẫu, rồi giỗ tổ Hùng Vương, nào lễ hội Chùa Hương, nào chợ Viềng, nào đền Đức Thánh Cả, nào đền Bà Chúa Kho, nào Bia Bà...hội nào vui, lễ nào thiêng là "tự động" đông người lắm. Chẳng nói đâu xa khi kể đến lễ hội Chùa Hương, ngay từ khi chưa khai mạc thì mỗi ngày đã có năm, sáu vạn khách. Có lẽ trong tháng "ăn chơi" này, rất nhiều người không còn tâm trí cho công việc cho dù họ vẫn đến nơi làm việc bởi bao nhiêu lễ hội, bao nhiêu đền chùa đang đợi họ...
Lộ liễu "hối lộ" Thánh Thần. |
Chúng ta phải thừa nhận rằng: trong dòng người cuồn cuộn như sông mùa lũ đến đền, đến chùa thì số người thực sự đi vãn cảnh, du xuân như một nét đẹp văn hoá, như một đời sống tinh thần là phần nhiều nhưng người đi cầu tiền tài, chức tước cũng không ít. Không ai bảo những người đi cầu tiền tài, chức tước là không chính đáng. Nhưng soi xét cho tận gốc rễ của vấn đề thì đó là điều thật đáng lo. Bây giờ, để có được những lợi ích cá nhân người ta có thể làm tất cả những gì có thể kể cả việc "hối lộ Thánh Thần".
Tôi không phải là người nghĩ ra cụm từ "hối lộ Thánh Thần" xếch mé, láo xược này. Đó là cụm từ do người dân sáng tạo ra từ những quan sát thực tế mà ta có thể gọi đó là sản phẩm của dân gian. Một người bạn vong niên đầu năm khuyên tôi một cách chân thành: "Nếu chú mày muốn có một chút chức tước thì phải đến đền Đức Thánh Trần xin Ngài một câu".
Cho dù tôi có muốn một cái bỉ chức nào đó thì tôi cũng không bao giờ đến để xin Ngài điều ấy. Vì đến thì cũng phải dâng lễ cho dù lễ to hay lễ nhỏ. Rồi thì phải khấn rằng: "Con có chút lễ mọn dâng lên Ngài xin ngài cho con năm nay được lên chức đội phó".
Nói như thế là bắt đầu hỗn láo với Ngài rồi. Thế hoá ra Ngài là trưởng ban tổ chức của thế gian ư? Chẳng lẽ Ngài là Thánh lại nhận mấy cái lễ mọn hay cho dù cả tỷ đồng để làm cái điều ấy ư? Tôi thì tôi vẫn nghĩ rằng ở không ít ngôi đền, ngôi chùa lâu nay Thánh Thần không còn trú ngụ hay ghé qua đó nữa. Bởi ở những nơi như thế lâu nay chỉ là cảnh chen lấn, cảnh mua Thần bán Thánh, cảnh mê tín dị đoan, cảnh lừa nhau để kiếm chác. Các Ngài làm sao chịu nổi những cảnh ấy. Vì thế, các Ngài có đâu mà biết đến những trò "hối lộ Thánh Thần" .
Khi nghe tôi tâm sự điều này, có người vặn vẹo: "Thế sao mấy tay hay đến đó xin chức tước đều được thăng quan tiến chức cả". Nghe vậy, tôi lại bảo: "Đừng xúc phạm Thánh Thần mà có ngày hối không kịp. Việc muốn thăng quan tiến chức là nhờ mấy "ông thánh ông thần" ngồi ở phòng máy lạnh chứ đâu phải Thánh Thần trong đền trong chùa".
Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật. Bởi thế, ngôi chùa hay ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người.
Thế nhưng, quá ít người biết điều đó. Họ thì thầm kháo nhau về ngôi đền này thiêng lắm, ngôi chùa kia thiêng lắm, xin gì được nấy. Thế là nườm nượp kéo nhau đi. Rồi xì xụp khấn vái với đủ lễ vật to nhỏ. Thử hỏi có mấy ai đến đền, đến chùa chỉ bằng một nén nhang tâm tưởng trong sâu thẳm lòng mình để nói với Thánh Thần rằng lòng họ vẫn còn những u tối, còn những tham lam, còn nhiều ghen ghét.... xin Thánh Thần ban cho họ ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi để xua đi những điều tội lỗi kia trong lòng ???
Mà chỉ thấy hết người này đến người nọ cầu xin mọi thứ có lợi cho mình rồi sau khi ra khỏi cửa đền, cửa chùa thì thản nhiên đối xử với nhân quần bằng trái tim vô cảm và nhiều mưu mô, toan tính. Thế mà sao Thần Thánh vẫn mang cho họ nhiều bổng lộc?
Khi đặt câu hỏi như vậy tôi đã vô tình trở thành kẻ hỗn láo và xúc phạm Thánh Thần. Một người nói cho tôi nghe rằng: không phải Thánh Thần giúp đỡ những kẻ đó mà Thánh Thần đang đi vắng và vô tình lãng quên thế gian một đôi ngày. Mà một ngày của Thánh Thần bằng 100 năm của những kẻ trần thế. Nhưng Thánh Thần sẽ quay lại. Thế gian không thể mãi mãi suy đồi như thế được.
Nhưng tôi lại không nghĩ rằng Thánh Thần đi vắng. Thánh Thần vẫn dõi theo con người dưới thế gian từng giây từng phút. Thánh Thần đã gửi thông điệp từng ngày cho con người để cảnh báo về tai hoạ sẽ ập xuống thế gian bởi chính con người. Thông điệp đó hiện ra trong thiên tai dịch hoạ, hiện ra trong những giết chóc của con người, hiện ra trong sự đối xử tàn tệ của con người với con người, hiện ra trong những cơn hoảng loạn, mù loà của con người, hiện ra trong sự trống rỗng tâm hồn của con người...
Người có Phật ở trong tâm luôn có một tâm niệm rằng “Mình sống có đức thì ở đâu, làm gì Thần Phật cũng sẽ biết hết”. Người xưa cũng có câu: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, nếu ai đó cứ phải chọn chùa mới thể hiện được “tấm lòng” của mình thì đó là người chưa thực sự “thành tâm”. Khi ở chùa thì họ rất “thành tâm”, dâng chút lễ mọn, quỳ lạy, khấn vái xì xụp, ấy thế nhưng, ngay sau khi ra khỏi cổng chùa, họ lại đối đãi với nhau bằng trái tim sắt đá, bằng sự mưu mô và toan tính...
Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông...lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh.