Những ai từng là chủ nhân ngôi biệt thự?
Có một thời gian dài, địa chỉ 81 Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) từng là quán nhậu thân quen của giới văn nghệ sĩ trong mỗi dịp tụ họp. Ít ai nghĩ, nơi đây từng là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP.HCM, lại càng không ngờ nơi này từng là biệt thự của mẹ vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ngôi biệt thự 2 tầng, xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20. Bốn mặt của biệt thự đều có sảnh rộng mái che, cổng chính nằm trên đường Trần Quốc Thảo, cổng phụ hướng ra đường Tú Xương. Nhiều người đoán trên nóc sân thượng của tòa biệt thự dùng làm bãi đỗ trực thăng. Toàn bộ nội thất bên trong được làm bằng gỗ.
Ngôi biệt thự là nơi sinh sống, vừa làm trụ sở Công ty Hải Long Sa – Công ty kinh doanh tổng hợp do mẹ vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm chủ, trong đó mặt hàng chủ lực là hải sản. Năm 1975, trong quá trình tiếp quản ngôi biệt thự người ta thấy trong kho còn rất nhiều thạch đôn bằng gốm sứ hình con voi cùng rất nhiều tài liệu, sổ sách ghi chép những đơn hàng xuất sang nhiều nước thuộc khu vực châu Á và các nước phương Tây.
Nguồn gốc của ngôi “biệt thự 81” trước khi được mẹ vợ của tổng thống Đệ nhị Cộng hòa sở hữu, ngay cả Trung tâm lưu trữ thông tin nhà đất hiện nay cũng không thấy đề cập. Nhưng theo một số văn nghệ sĩ từng tham gia tiếp quản, sinh sống và làm việc ở Sài Gòn trước năm 1975, thì trong khoảng thập niên 1930, cố quốc Vương Campuchia Norodom Sihanouk lúc ấy đang theo học tại trường Trung học Chasseloup Laubat đã sống nhiều năm trong ngôi biệt thự này.
Song, ngôi biệt thự có từng thuộc sở hữu của cố quốc Vương N. Sihanouk hay không thì không ai dám khẳng định. Và, cho đến nay cũng không thấy có tài liệu thành văn nào đề cập đến chuyện này. Cả chuyện sau này ngài Sihanouk rời Sài Gòn về nước và qua Pháp du học cho đến khi lên làm quốc Vương Campuchia vào năm 1941, chủ nhân tiếp theo của ngôi biệt thự này là ai thì cũng không thấy tài liệu nào nhắc đến.
Có giả thuyết, sau khi lên làm Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh thiêu hủy tất cả tài liệu, giấy tờ liên quan đến ngôi biệt thự 81(?). Có người cho rằng vào thời Đệ nhất Cộng hòa, ngôi “biệt thự 81” được cho là của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời, một nhà tài phiệt nổi danh với hệ thống ngân hàng tư nhân, mà đứng đầu là Tín Nghĩa ngân hàng của miền Nam trước 1975.
Vài người am hiểu thời cuộc lúc bấy giờ cho biết Tổng thống Thiệu đã dùng quyền uy của mình để chèn ép nhà tài phiệt này, rồi chiếm đoạt “biệt thự 81” cho mẹ vợ ở đến những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Ngôi biệt thự bị trấn yểm?
Nhà văn L., một trong những người tham gia tiếp quản ngôi biệt thự này ngay sau ngày 30/4/1975 và gắn bó cho đến nay, kể: năm 1975, “biệt thự 81” được chính quyền thành phố tiếp quản trong tình trạng vắng chủ nhưng cửa nẻo, nội thất còn nguyên vẹn. Sau đó được Ban quân quản bàn giao cho Hội Văn nghệ TP.HCM (nay là Liên Hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật TP.HCM) quản lý, sử dụng.
Người ta thấy trước cổng chính của biệt thự nằm trên đường Trần Quốc Thảo còn có một lô cốt bằng gỗ dùng cho lính gác, hơn nữa nhà của Tổng thống Thiệu nằm trên đường Tú Xương nên từ đây có thể suy đoán ông Thiệu hay lui tới ngôi biệt thự này.
Thực ra, những suy đoán trên không phải là vô căn cứ, trong một lần anh em văn nghệ sĩ làm công tác vệ sinh phát hiện bên phải ngôi nhà còn có một hầm súng, hầu hết là súng “chiến lợi phẩm”. Cùng thời điểm, một nhóm văn nghệ sĩ dọn vệ sinh ở một nhà kho nằm phía sau biệt thự đã “lượm” được cây “gậy chỉ huy” bằng ngà voi có khắc tên Nguyễn Văn Thiệu cùng hai ngôi sao. Từ những chỉ dấu này, người trong cuộc khẳng định đây là gậy chỉ huy của Nguyễn Văn Thiệu khi còn là thiếu tướng, chỉ huy sư đoàn 5.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng nếu như “biệt thự 81” không có những cây đèn đá cùng với dòng suối chảy vắt ngang mặt tiền ngôi biệt thự thì có lẽ biệt thự này chẳng có gì đặc biệt. Nhà văn L., cho biết xung quanh biệt thự có đặt 4 cây đèn đá ở 4 góc.
Nằm chếch bên trái mặt tiền biệt thự là cây đa cổ thụ (cây đa này hiện vẫn còn), dưới gốc đa có thêm một cây đèn đá hoa cương cao ngang đầu người, bên cạnh là dòng suối dài trên 10 mét, ngang hơn 1 mét, được xây bằng xi măng.
Sau khi tiếp quản ngôi nhà, Hội Văn nghệ không sử dụng dòng suối, đến những năm 1990, dòng suối bị che phủ bởi lá đa rụng. Bên cạnh gốc đa và cây đèn đá còn có một bát nhang lớn và được nhang khói thường xuyên.
Nhìn vào cách bố trí những cây đèn đá, bát nhang, dòng suối, cây đa trong khuôn viên “biệt thự 81” nhiều người cho rằng người nhà Tổng thống Thiệu đã mời thầy phong thủy về trấn yểm. Lần lại quá khứ, năm 1951, thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu mới lấy vợ là bà Nguyễn Thị Mai Anh, theo nghi lễ miền Trung là thờ Phật và thờ ông bà.
Do bên vợ theo đạo Công giáo nên sau đó Thiệu cải đạo và trở thành con chiên rất ngoan đạo. Dẫu có bận việc đến mấy nhưng trong những ngày thánh lễ, Thiệu đều có mặt ở giáo đường của nhà thờ Đức Bà.
Có thông tin cho rằng, Thiệu giấu rất kỹ ngày tháng năm sinh của mình. Đến khi làm Tổng thống, Thiệu dùng bùa chú trấn yểm long mạch tại núi Mặt Quỷ ở quê nhà (Ninh Thuận), trấn phong thủy ở Hồ con rùa… với lời giải thích là phục vụ cho lợi ít quốc gia dân tộc.
Về việc trấn yểm ở “biệt thự 81”, nhà văn L. kể một câu chuyện mà ngay cả chính ông cũng không tin bởi nó mang màu sắc hoang đường, nhưng ông cũng như nhiều người cùng thời làm việc ở đây vẫn không giải thích được ở đây có phải là do một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không.
Số là có lần, mấy anh em ở Hội văn nghệ thấy xung quanh biệt thự rất bề bộn, cây cối um tùm, đồ đạc vứt tứ tung liền rủ nhau ra làm vệ sinh. Trong lúc dọn vệ sinh, 5 người trong số họ cùng khiêng chuyển mấy cây đèn đá để có lối đi thoáng đãng và có thêm không gian để xe. Bất ngờ, một thời gian ngắn sau, ông T. người chỉ huy buổi dọn vệ sinh hôm đó đột ngột qua đời.
Không lâu sau, ông T. hiện về báo mộng cho vợ rằng những người cùng khiêng mấy cây đèn đá sẽ theo ông trong thời gian tới. Nhân ngày giỗ ông T., vợ ông đem câu chuyện mộng mị của mình ra kể lại cho những người bạn của chồng. Mặc những lời đồn đoán bán tín bán nghi, bốn người còn lại từng vào sinh ra tử chỉ xem những lời báo mộng kia là câu chuyện nhảm nhí trong lúc trò chuyện nhàn rỗi. Thế nhưng, lời điềm báo lại trở thành hiện thực, lần lượt 4 người qua đời như một ứng nghiệm rùng rợn.
Cách nay mấy năm ngôi biệt thự này đã bị đập bỏ để xây mới một tòa cao ốc 1 trệt, 7 lầu nhưng vẫn còn một cây đèn đá sống dưới gốc cây đa như là một chứng tích lịch sử. Tòa cao ốc hoàn thành vào cuối năm 2013, nơi đây được xem như ngôi nhà chung dùng để sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ thành phố, nhưng những giai thoại về ngôi biệt thự kì lạ của mẹ vợ Tổng thống Thiệu vẫn được nhắc, kể mỗi lúc “trà dư tửu hậu”.