Chế độ ăn kiêng low-carb (ít carbohydrate) có thể giúp một số người khỏe mạnh hơn ngay cả khi bạn không giảm cân vì nó, nghiên cứu mới của Mỹ vừa chứng minh. Đừng nghĩ bạn ăn kiêng thất bại nếu bạn ăn mãi không xuống cân vì nó có thể cho bạn thứ quý giá hơn: giảm và thậm chí đảo ngược diễn tiến của bệnh tiểu đường và bệnh tim, phòng ngừa đột quỵ.
Cái lợi lớn nhất của kiểu ăn low-carb không phải giảm cân mà là giảm các vấn đề của hội chứng rối loạn chuyển hóa - ảnh minh họa từ internet |
Các tác giả từ Đại học Ohio (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu trên diễn biến sức khỏe của 16 tình nguyện viên mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa. Họ mắc nhiều triệu chứng như vòng eo lớn, mỡ máu cao, huyết áp trên 140/90 mm Hg, đề kháng insulin....
Các tình nguyện viên đã có 1 tháng ăn nhiều carbohydraye và 1 tháng ăn ít carbohydrate với khoảng nghỉ là 2 tuần giữa các đợt. Kết quả cho thấy khi ăn chế độ low-carb, khả năng trao đổi chất của họ thay đổi hẳn dù không giảm cân. Chính sự trao đổi chất "thuận buồm xuôi gió hơn" đã làm giảm các yếu tố gây bệnh tiểu đường, bệnh tim, giảm nguy cơ đột quỵ.
Nguyên nhân chính có thể do ít carbohydrate giúp họ có mức cholesterol khỏe mạnh hơn, giảm chất béo bão hòa trong máu vì chế độ ăn low-carb thường tập trung vào các dạng chất béo không bão hòa. Ngoài ra, khả năng đốt cháy chất béo của họ cũng tăng lên đáng kể.
Cho dù vẫn nạp vào lượng calo bình thường bằng cách giảm thức ăn bột – đường nhưng tăng khác nhóm khác, khiến cân nặng không giảm, người ăn low-carb vẫn nhận được các lợi ích trên. Tuy nhiên nếu mắc hội chứng chuyển hóa nặng, hãy nghĩ cách giảm cân một chút vì nếu có thêm yếu tố này, nhiều triệu chứng thậm chí dần biến mất. Lưu ý rằng nên áp dụng cách ăn này như một biện pháp hỗ trợ, không tự ý bỏ ngang thuốc trị bệnh nếu bạn được chỉ định dùng thuốc dài lâu.
Ăn low-carb là kiểu ăn tiết chế tối đa thức ăn thuộc nhóm bột đường bạn nạp vào cơ thể hàng ngày, thay vào đó là các món đạm, rau quả và không kiêng chất béo. Người ăn low-carb nghiêm ngặt có thể nạp vào lượng tinh bột chỉ tương đương với 2 lát bánh mì/ngày.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Journal of Clinical Investigation Insight.