Với người nông dân nơi đây, không gì vui sướng bằng việc ngay cả hàng rào cũng “hái ra tiền” mỗi ngày...
Về thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn), vào bất kỳ gia đình nào, chúng tôi cũng bắt gặp những khu vườn xanh mướt nặng trĩu rau quả. Từ ngoài cổng vào đến sân, ông Nguyễn Văn Hoàng đã trồng một loạt mướp hương làm hàng rào xanh. Đang mùa thu hoạch nên mướp trĩu giàn đầy vườn.
Ngõ vào vừa được che mát vừa "hái ra tiền". |
Mời quý độc giả xem video "Cách trồng rau sạch của người thành thị". Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp:
Ông Hoàng vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, từ ngõ vào nhà cứ phải chạy thật nhanh khỏi nắng, nhưng nay được cán bộ hướng dẫn, tôi làm giàn vòm phía trên, trồng các loại cây phủ lên vừa có bóng mát, lại còn có tiền. Việc trồng cây phải căn theo mùa vụ cho phù hợp, mùa này trồng cây này, khi sắp tàn thì phải “dắm” cây khác xen vào. Mọi diện tích từ vườn ra ngõ đều phải được tận dụng triệt để, không lãng phí mét đất nào”.
Không gian trên hồ cá cũng được tận dụng |
Gọi là “hàng rào” nhưng thực tế, người dân Tượng Sơn không chỉ phá bỏ những hàng rào bê tông, “hàng rào chết” mà ở bất cứ địa điểm nào, có thể từ trong vườn ra ngoài ngõ, bà con cũng đều dựng nên hàng rào xanh có giá trị kinh tế như: Nệp vườn, lối vào nhà, lối đi nội vườn, trên mặt hồ hay bên bờ hồ, làm giàn leo các loại trên hàng rào sẵn có, làm giàn leo ở các nơi có điều kiện không gian phía trên... Kết cấu của hàng rào làm bằng sắt, thép hoặc tre nứa, sau đó, trồng các loại cây như: Mướp đắng, mướp ngọt, bí, hoa thiên lý, chanh leo...
Đến cả mương nước cũng được tận dụng. |
Tại các kênh mương thủy lợi của xóm Hà Thanh, người dân cũng tận dụng làm giàn trồng các loại cây như bí, mướp, bầu trắng, gấc… Đang thu hoạch cà chua, chị Dương Thị Nhân (thôn Hà Thanh) phấn khởi: “Chỗ nào tận dụng được đều phải tận dụng làm cả. Kể cả tường rào nhà văn hóa thôn cũng trồng cây “kinh tế” đấy. Sau khi thu hoạch sẽ bán lấy tiền đóng vào quỹ thôn. Như thế thôn vừa có tiền, lại không lãng phí đất đai”.
Thu hoạch sản phẩm... |
Nhà này học hỏi nhà kia, xóm này học hỏi xóm kia, cứ thế, đến nay, mô hình hàng rào “kinh tế” đã trở thành cuộc “cách mạng xanh” ở Tượng Sơn. Triển khai từ năm 2015, đến nay, toàn xã có hơn 400 hộ dân ở các thôn: Sâm Lộc, Thượng Phú, Đài Phú, Hà Thanh xây dựng được hàng rào kinh tế tại nhà. Riêng hàng rào “kinh tế” dọc kênh mương, nhà văn hóa thôn... thì rải rác ở tất cả các xóm đều có. Bình quân, hàng rào kinh tế nơi đây mỗi vụ cho thu nhập từ 5-6 triệu đồng/gia đình.
... và bán ngay tại vườn. |
Với những hàng rào xanh của bà con nông dân xã Tượng Sơn, sản phẩm của họ làm ra đều là những sản phẩm sạch, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, người dân “chế” ra các loại “thuốc” trị sâu bọ bằng phương pháp vi sinh, hòa lẫn các loại thực phẩm như tỏi, ớt, rượu, lá cây thuốc lào… để phun lên rau, củ, quả trừ sâu bọ. Hoặc trồng lẫn trong vườn các loại hoa như cúc, hướng dương… để dẫn dụ sâu bọ, bướm gây hại tập trung tại đó để diệt trừ. Vì vậy, sản phẩm của người dân làm ra đều rất được thị trường ưa chuộng, tin tưởng.
Ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn chia sẻ: “Bên cạnh lợi ích kinh tế, những hàng rào này còn mang lại lợi ích xã hội đó là tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giảm ngập úng cục bộ, giảm lũ... Quan trọng hơn, từ việc xây dựng hàng rào “kinh tế”, địa phương hướng đến xây dựng những vùng chuyên canh cây rau quả có giá trị tại từng vùng để liên kết đầu ra cho sản phẩm của hàng rào “kinh tế”, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho hàng rào và cuộc sống của người dân”.