Mặc dù mở bán trước Tết Trung thu cả tháng và chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu nhưng tại nhiều điểm bán bánh trung thu lưu động của các thương hiệu lớn dọc các con phố ở Hà Nội vẫn khá thưa vắng.
Một số điểm đã bắt đầu rục rịch đăng biển giảm giá, khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng hầu như không được cải thiện.
Theo quan sát của PV, dọc các con phố như Xã Đàn, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh, các hàng bánh trung thu mọc lên như nấm, san sát nhau với đủ các chủng loại, mẫu mã, bao bì bắt mắt. Tuy nhiên, hầu như lúc nào cũng vắng khách, thi thoảng mới có người vào hỏi giá rồi lại đi ra.
Chị Bùi Thị Hằng, người bán bánh trung thu ở Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, càng gần trung thu thì bánh càng ế ẩm. Cả buổi sáng chị mới bán được 2 hộp bánh, thu về chưa đầy 500 nghìn đồng.
“Các hãng bánh hầu như năm nào cũng mở quầy ở gần nhau. Đấy, có đoạn phố ngắn mà 5-6 quầy bánh, cứ ngồi nhìn nhau thôi chứ ngày nào may thì bán được 20-30 hộp, ngày nào không may thì chưa đầy 10 hộp. Ế lắm”, chị Hằng thở dài.
Bánh trung thu được bày bán tại các siêu thị nhưng vẫn khá thưa vắng khách mua.
Theo chị Hằng, giá bánh trung thu năm nay tăng từ 5-15% do nguyên liệu đầu vào tăng, khách mua chủ yếu là đi biếu còn mua lẻ 1-2 chiếc về ăn thì rất ít. Thậm chí nhiều người đi dạo cả 5-6 quầy bánh nhưng lại chỉ hỏi giá chứ không mua hộp nào.
Tại một số siêu thị, bánh trung thu cũng được bày bán ngay sát cửa ra vào với giá từ 55-75 nghìn đồng/chiếc tuỳ loại và cân nặng nhưng khách dừng lại mua hàng vẫn khá thưa vắng. Một vài nơi đã đăng biển khuyến mại, giảm giá từ 10-20% nhằm thu hút khách hàng nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Ngược lại, một số cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu truyền thống như Đông Phương (Cầu Đất, Hải Phòng), Đình Chung (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Bảo Phương (Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn diễn ra cảnh người dân xếp hàng nối đuôi nhau dọc vỉa hè từ tờ mờ sớm để mua bánh trung thu.
Cảnh tượng người dân xếp hàng mua bánh trung thu từ 4 giờ sáng trước cửa một hiệu bánh truyền thống tại Hải Phòng.
Chị Hoài Thu, trú tại Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, để mua được hộp bánh trung thu nổi tiếng ở Hải Phòng chị phải đánh xe đi từ nửa đêm, xếp hàng từ 4-5 giờ sáng để mua được bánh sớm nhất.
“Ở Hà Nội nhiều hiệu bánh trung thu có tiếng nhưng nhiều người lại thích vị truyền thống ở hiệu bánh này nên năm nào tôi cũng phải về tận đây mua vài hộp để đi biếu, nhân tiện lấy hộ bạn bè. Không đi sớm thì 9-10 giờ sáng đã hết bánh rồi, phải chờ đến tận chiều nên tôi cứ đi từ tinh mơ cho mát mẻ”, chị Thu nói.
Người dân xếp hàng dài để mua bánh trung thu tại một hiệu bánh truyền thống trên đường Thuỵ Khuê (Hà Nội).
Không chỉ các hiệu bánh trung thu truyền thống có tiếng, một số người làm bánh trung thu handmade cũng rơi vào tình trạng quá tải các đơn đặt mua bánh.
Chị Nguyễn Huyền Trang, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, hơn 5 năm bán bánh trung thu handmade, năm nào chị cũng phải huy động cả nhà trợ giúp nhưng vẫn không kịp. Riêng năm nay chị dừng nhận đơn trước Trung Thu cả tuần vì quá tải.
Nhiều người xếp hàng mua về ăn, đi biếu hoặc để bán lại với mức giá chênh từ 10-20 nghìn đồng/chiếc.
“Giờ bánh trung thu bán ở siêu thị hay các gian hàng của các thương hiệu lớn giá lên tới 65-80 nghìn đồng/chiếc, trong khi đó bánh handmade tôi bán chỉ 40-45 nghìn đồng. Vừa rẻ vừa hợp khẩu vị nên năm nào cũng trong tình trạng cháy hàng”, chị Trang nói.
Theo chị Trang, giữa vô vàn các loại bánh trung thu hiện đại được “biến tấu” lạ và đẹp mắt, người tiêu dùng lại ngày càng có xu hướng chọn các loại bánh truyền thống để nhớ về hương vị xưa. Vì vậy, bánh truyền thống bao giờ cũng đắt khách và được lòng người tiêu dùng hơn.