Bệnh viện Nhi trung ương cho trẻ uống thuốc kháng sinh hết hạn khiến dư luận bức xúc. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Ths, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại khoản 31 Điều 2 Luật dược 2016 quy định hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Hạn dùng của thuốc được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn.
Như vậy, có thể hiểu mỗi loại dược phẩm đều có một thời hạn sử dụng nhất định để đảm tiêu chuẩn chất lượng cho người dùng nếu được bảo quản đúng quy định. Bởi lẽ, dược phẩm cũng như tất cả các loại hóa chất đều có thể bị biến đổi chất theo thời gian, do đó, trong trường hợp thuốc bị quá hạn sử dụng có thể không còn nguyên tác dụng, không có đủ khả năng chữa bệnh hoặc bồi bổ cho sức khỏe. Thậm chí, một số thuốc quá hạn có thể chứa độc tính thay vì khả năng chữa bệnh ban đầu.
Do đó, trong trường hợp cơ sở y tế sử dụng thuốc hết hạn thì tôi cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm vì đây hành vi này là vô cùng nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.
Ths, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Trở lại trường hợp của Bệnh viện nhi trung ương, tôi cho rằng các cơ quan có thầm quyền cần vào cuộc tiến hành thanh tra, kiểm tra về số lượng, chất lượng thuốc mà bệnh viện này đang cấp phát cho bệnh nhân, làm rõ có hành vi sử dụng thuốc hết hạn cho bệnh nhân không, số lượng thuốc vi phạm là bao nhiêu, ai là người có trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng thuốc.
Ngoài ra cũng cần xem xét động cơ mục đích, yếu tố vụ lợi, trong trường hợp đủ căn cứ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có liên quan. Cụ thể, trong trường hợp này cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có chức vụ, quyền hạn được phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác cấp phát thuốc khám chữa bệnh trong bệnh viện. Nếu có căn cứ xác định những cá nhân này vì động cơ vụ lợi hoặc cá nhân đã lợi dụng công việc được giao gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì sẽ có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS
Còn về mức độ xử lý hành chính, hình sự vụ việc còn phụ thuộc vào quá trình xác minh, điều tra xem hành vi gây ra hậu quả thế nào?
Cụ thể, chế tài xử lý hành vi bán thuốc quá hạn sử dụng, hiện nay được quy định tại Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khi bán thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc hết hạn sử dụng khi chưa gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán lẻ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng.
Ngoài ra, cơ sở bán thuốc quá hạn sử dụng sẽ bị buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được từ hành vi bán thuốc hết hạn và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc đó.
Còn trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự.
>>> Xem thêm video: Bệnh viện Nhi Trung ương thừa nhận cấp thuốc quá hạn cho bệnh nhiNguồn: VTV 1.