Mới đây, Công an tỉnh Hà Giang đã bắt giữ Già Mí Lùng (SN 1987, trú tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc) – kẻ bị tình nghi sát hại hai nạn nhân là Vừ Mí Sính (SN 1979) và Ly Mí Sình (SN 1970) đều cư trú tại thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai vào tối 23/4.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, khoảng 18h tối 23/4, ông Thò Mí Lừ (SN 1959) và Già Mí Lùng, đều thường trú tại xã Khâu Vai, cùng ăn cơm uống rượu tại lán bãi khai thác đá. Đến 19h có thêm 2 người là Ly Mí Sình và Vừ Mí Sính cùng đến lán nhập hội ăn uống. Sau đó ông Thò Mí Lừ ra về, trong lán chỉ còn lại 3 người gồm: Già Mí Lùng, Ly Mí Sình và Vừ Mí Sính. Đến khoảng 23h cùng ngày, người dân ở gần lán nghe tiếng người kêu. Khoảng 5h sáng ngày 24/4, người dân phát hiện 2 nạn nhân trong hủm đá tại bãi khai thác đá thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, còn Già Mí Lùng đã bỏ trốn.
Nghi phạm Già Mí Lùng tại cơ quan công an. |
Đáng chú ý, theo lãnh đạo xã Khâu Vai cho biết, giữa Lùng và hai nạn nhân đều là người cùng thôn và họ cũng vẫn ngồi nhậu với nhau. Từ trước đến nay ba người họ chưa từng xảy ra mâu thuẫn nào. Tuy nhiên, mỗi khi uống rượu, Lùng thường bị loạn thần và không làm chủ được hành vi của bản thân. Năm 2014, trong lúc say rượu, Lùng đánh chết con và được đưa đi điều trị.
Dư luận đặt ra câu hỏi, trường hợp đối tượng Già Mí Lùng bị loạn thần do uống rượu mà gây ra vụ giết người sẽ bị xử thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin ban đầu từ vụ án cho thấy, nghi phạm có tiền sử bệnh tâm thần. Bởi vậy, cơ quan điều tra có thể sẽ trưng cầu giám định tâm thần nếu như đối tượng này có những biểu hiện bất thường về tâm lý và giao tiếp. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ thu thập các chứng cứ về quá trình chữa bệnh, đánh giá về tình trạng bệnh lý tâm thần của đối tượng này để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án này có đến 2 nạn nhân tử vong, do đó, các vấn đề mà cơ quan điều tra cần làm rõ trong đó có hai vấn đề quan trọng là đối tượng đã thực hiện hành vi giết người như thế nào, nguyên nhân của vụ án mạng. Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ năng lực hành vi dân sự, khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng này như thế nào nếu có căn cứ xác định đối tượng này đã thực hiện hành vi giết người.
Trong trường hợp đã chứng minh được hành vi giết người xảy ra nhưng kết quả điều tra cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi do bệnh lý thì đối tượng này sẽ không bị xử lý hình sự mà sẽ bị bắt buộc chữa bệnh như hành vi giết người đã xảy ra trước đó với con của đối tượng này.
Còn trường hợp có căn cứ cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đối tượng vẫn nhận thức được hành vi của mình hoặc trường hợp đối tượng bị mất, hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi là do sử dụng rượu, trước khi uống rượu vẫn nhận thức được hành vi của mình, đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người nếu như hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Bởi vậy, hành vi khách quan vào ý thức chủ quan của đối tượng gây án là những yếu tố quan trọng mà cơ quan điều tra sẽ cần làm rõ để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, trong vụ án trên, chỉ có 4 người cùng uống rượu, sau đó 2 người trong đó bị sát hại, có một nhân chứng đã bỏ về trước đó, đối tượng nghi là hung thủ thì bỏ trốn khỏi hiện trường. Bởi vậy rất có thể nghi phạm bỏ trốn chính là hung thủ đã sát hại 2 nạn nhân. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ nạn nhân bị sát hại như thế nào, bằng hung khí gì, nguyên nhân của vụ việc và khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng gây án.
Trường hợp nếu đối tượng mất khả năng nhận thức tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì là do rượu bia hay do bệnh lý tâm thần? Trường hợp nếu do bệnh lý tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại điều 13, BLHS năm 2015 về Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác nêu rõ: "Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo điều 21 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự nêu rõ: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng gây án tại thời điểm thực hiện hành vi giết người. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng thực hiện hành vi giết người do say rượu bia vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp đối tượng thực hiện hành vi giết người nhưng mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi do bệnh lý thì sẽ căn cứ vào điều 21, bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên để loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong tình huống này đối tượng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.
"Vụ án này một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của những người tâm thần khi sống trong xã hội. Những người tâm thần luôn tiềm ẩn hiểm họa, do họ mất khả năng nhận thức nên có thể gây hại cho bất kỳ ai, kể cả những người xung quanh là người thân, bạn bè hay những người khác. Bởi vậy, mỗi địa phương cần phải có những chính sách và biện pháp cần thiết để quản lý chặt chẽ người tâm thần. Đồng thời, gia đình người có bệnh tâm thần và cộng đồng cần phải quan tâm, chú ý và đề phòng đối với những người mắc bệnh tâm thần để tránh trường hợp họ vì mất khả năng nhận thức mà gây ra án mạng" – luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt được kẻ giết người trốn khỏi trại giam
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp 1.