Nghi gian lận thi cử, Vua Minh Mạng thẳng tay đánh trượt “thần đồng”

(Kiến Thức) - Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam có những sĩ tử tuổi còn rất trẻ mà đoạt học vị Tiến sĩ vẻ vang. Tuy nhiên cũng có trường hợp rất đáng tiếc, vì những sơ suất nhỏ mà không được chấm đỗ, hoặc bị quy chụp là gian lận thi cử mà đánh trượt. 

Kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông, qua các triều đại, quy chế thi cử ngày một được xây dựng quy củ, hoàn thiện hơn. Đến đời Lê Thánh Tông, để bảo đảm sự chặt chẽ và chất lượng tuyển chọn nhân tài, tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462) vua đã định ra lệ “Bảo kết hương thí”.
Đây là “bản cam kết” bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách và đạo đức của các sĩ tử là con em trong xã mình. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trước khi thi cử một thời gian, cụ thể vào khoảng tháng 8 của năm trước, các sĩ tử có ý định tham gia ứng thí “phải đến nhà giám hay đạo sở tại, khai tên và căn cước, đợi thi Hương; đỗ thì gửi danh sách đến viện Lễ nghi, tới trung tuần tháng giêng năm sau vào thi Hội. Cho quan bản quản và xã trưởng xã mình làm giấy bảo kết rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được kê vào sổ đi thi. Người nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa… thì dù có học vấn, giỏi văn bài, cũng không cho vào thi”.
Quy định về lệ bảo kết được thực hiện kể từ đó cho đến tận thời Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta. Khoa cử thời Nguyễn thịnh nhất là vào đời vua Minh Mạng, các lề lối sơ tuyển, thi cử đều được cải cách lại, nhưng lệ bảo kết vẫn được áp dụng, trong khoa thi Hương đầu tiên của triều đại này tổ chức năm Đinh Mão (1807) đời Gia Long đã định lệ: “Trước kỳ thi, lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, phạm án cướp hay phản nghịch đều không được đi thi”.
Một điều rất thú vị là không có quy định cụ thể độ tuổi của các sĩ tử, vì vậy có những khoa thi có thí sinh tuổi ngoài 70, lại có những thí sinh tóc vẫn còn để chỏm. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, trong phần Khoa mục chí chép điều lệ thi Hương năm Mậu Ngọ (1678) đời Lê Hy Tông như sau: “Hoặc có người chưa đến 18 tuổi cũng cho đi thi để mở rộng đường lấy người tài giỏi, nhưng phải khai sổ đệ lên quan huyện, quan châu khảo xét”.
Thực ra trước đó cũng không có việc hạn định độ tuổi sĩ tử nên có những cậu bé như Nguyễn Hiền 13 tuổi đỗ Trạng nguyên, Đặng Ma La 14 tuổi cùng đỗ khoa thi năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Trung Ngạn 16 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Giáp Thìn (1304)…
Nghi gian lan thi cu, Vua Minh Mang thang tay danh truot “than dong”
Cảnh sĩ tử đi thi. Ảnh minh họa.  
Đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, trong khoa thi năm Ất Mùi (1835) có một thí sinh tuổi mới 13 đã đỗ Tiến sĩ nhưng không được công nhận dù không có tội lỗi gì mà chỉ do lỗi của chức dịch địa phương. Tuy nhiên vua Minh Mạng cho đó hành vi đó gian lận thi cử, vì thế cậu bé thông minh kia đã bị trượt oan.
Trong sách Minh Mạng chính yếu có chép sơ lược thông tin liên quan đến việc này như sau: “Khoa Điện thí ấy có người đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân tên là Lê Chân Niên, tuổi còn ít, Hoàng đế ban sắc hỏi lại. Chân thưa thực. (Chân mới 13 tuổi, danh sách lại ghi 19 tuổi vì trước lý trưởng khai lầm, chưa kịp cải chính). Hoàng đế dụ rằng:
- Khoa mục là bước đầu để tiến thân, nên lấy danh thành tín làm gốc. Nếu có việc giấu tuổi như thế, trước đã tự dối mình, sau này ra làm quan trông mong gì giữ được công bình, trung chính. Vì thế trẫm không thể lấy đậu. Hãy cho theo đúng tuổi mà cải chính.
Hạ lệnh cho bộ Lễ truyền dụ: Từ nay về sau, họ tên, tuổi, quê quán của những người ứng thí, phải được kê khai xác thực. Nếu người nào đã bị lý trưởng khai lầm, phải nhận quyển về, bẩm rõ với quan trên để xin cải chính. Nếu cứ bưng bít, im lặng, đến khi biết sẽ có tội”.
Cũng từ đó, sử sách không có dòng nào nhắc đến cậu bé Lê Chân Niên nữa. Đáng tiếc là vua Minh Mạng quá nghiêm khắc, khắt khe, dẫn đến việc một nhân tài bị bỏ qua, không có điều kiện được phát huy tốt hơn trí lực của mình cống hiến cho xã hội.

Kỳ thi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử Nho học Việt Nam

(Kiến Thức) - Kỳ thi Hương 1879 ở Hà Nội xảy ra một việc vô tiền khoáng hậu. Hàng ngàn sĩ tử đã đồng loạt kéo nhau vào phá nhà một tên bá hộ.

Thời nhà Nguyễn, ở Bắc Hà chỉ có hai trường thi Hương. Trường Nam ở Nam Định và trường Hà ở Hà Nội. Trường Nam dành cho học trò các tỉnh miền dưới thi còn trường Hà dành cho các tỉnh miền trên. Do chỉ có hai trường thi, nên mỗi dịp tổ chức thi, số học trò đến thi có đến hàng ngàn người.

Chuyện hiếm có trong lịch sử khoa cử Việt Nam

(Kiến Thức) - Thám hoa Nguyễn Minh Triết là một quan đại thần thời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thượng thư. 

Thám hoa Nguyễn Minh Triết là một quan đại thần thời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thượng thư. Xung quanh chuyện thi cử của ông có nhiều tình tiết rất thú vị, hiếm có trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Đường khoa danh lận đận

Đọc nhiều nhất

Tin mới