Nhiều ngày qua, người dân tại xã Ea Toh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) kéo đến công ty TNHH Thương mại & Nông sản Quý Phượng để lấy nợ, lấy cà phê trước đó đã gửi vì nghe tin chủ doanh nghiệp này bị vỡ nợ.
Rất nhiều người dân kéo đến công ty Quý Phượng để đồi trả nợ và lấy lại cà phê đã ký gửi. Ảnh: NC. |
Anh Trần Mạnh Hùng cho biết, trước đó 4 ngày (ngày 25/3), khi đi ngang qua công ty Quý Phượng thấy có rất nhiều người lao vào lấy các bao phân bón và tài sản khác của công ty.
"Tôi đi chơi ngang qua thì phát hiện nhiều người kéo đến lấy tài sản nên sau đó đến tìm hiểu thì nghe tin công ty nằm vỡ nợ. Tôi có gửi mấy tấn cà phê ở đại lý này để trong kho, tuy nhiên giờ vào kho chỉ thấy các bao toàn chứa vỏ cà phê.
Giờ, gia đình và người dân nơi đây rất lo lắng, vì bà Phượng làm ăn nhiều năm nay trên địa bàn rất uy tín cho nên được người dân tin tưởng mang cà phê đến ký gửi. Ngoài ra, có người mang tiền đến cho bà Phượng mượn để đáo hạn ngân hàng và lấy tiền lãi", anh Hùng nói.
Người dân lo lắng cầm trên tay giấy vay mượn nợ nhưng không biết đòi ai vì tài sản của công ty Quý Phượng bị nhiều người khác đến lấy đi trước đó. Ảnh: Thanh Hải. |
Cùng hoàn cảnh như anh Hùng, bà Khổng Thị Duyên (trú xã Ea Tân) chia sẻ: "Tôi cho bà Phượng mượn 100 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng và 6 tấn cà phê để về quê. Sau khi nghe thông tin công ty Quý Phượng vỡ nợ và nhiều người đến lấy tài sản thì tôi đến để yêu cầu gia đình bà Phượng đưa lại tiền, đồng thời lấy lại số cà phê đã gửi.
Tôi đợi mấy ngày nay ở nhà bà Phượng nhưng đến giờ vẫn chưa thấy bà Phượng trả lời. Bà Phượng vẫn nằm trong nhà, giờ mọi người chỉ biết nằm canh giữ và yêu cầu bà Phượng trả lại số tiền như đã ghi trong phiếu. Còn chồng bà Phượng thì đi đâu chúng tôi không rõ, đôi lúc bà Phượng điện thoại cho chồng nói chuyện qua lại gì đó.
Rất nhiều người tại khu vực lân cận xã Ea Toh, Ea Tân tin tưởng công ty này nên mỗi năm mang cà phê đến gửi. Có khi bà Phượng cần tiền đáo hạn ngân hàng thì nhiều người vẫn lấy tiền để đưa vì công ty này trước đó làm ăn rất có uy tin".
Cà phê nhân người dân gửi trong kho Quý Phượng giờ chỉ còn là vỏ cà phê. Ảnh: NC. |
Một người dân khác có mặt tại công ty Quý Phượng chia sẻ: "Tôi thấy mọi người ùn ùn kéo đến để lấy tài sản, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với công ty Quý Phượng. Giờ tôi đến đây chỉ muốn bà Phượng trả lại số cà phê mà gia đình tôi gửi trước đó, nhưng tôi vào kho thì chỉ thấy toàn các bao chứa vỏ cà phê, chứ không phải cà phê mà chúng tôi gửi.
Nếu bà Phượng không trả, chắc gia đình chúng tôi không biết sống sao vì gia đình lấy tiền đâu để trả ngân hàng. Tôi mong cơ quan chức năng kiểm tra, tạo điều kiện để người dân lấy lại số tài sản trước đó đã ký gửi cho công ty này. Công ty Quý Phượng mà vỡ nợ sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng thì người dân sẽ rất khốn đốn, rơi vào cảnh bế tắc.", một người dân nói.
Tại thời điểm người dân kéo đến nhà bà Phượng để đòi nợ, PV VTC News có mặt và có cuộc trao đổi nhanh với bà Phượng là thành viên của Công ty TNHH Thương Mại & Nông Sản Quý Phượng do ông Quý (chồng bà Phượng làm Giám đốc).
Bà Phượng chia sẻ: "Về việc nhiều người dân kéo đến để lấy nợ là do tin đồn; còn công ty không hề có phá sản, hãy đợi chồng tôi về sẽ giải quyết.
Nhiều người kéo đến quá, ùn một phát đến đòi nợ thì lấy tiền đâu ra để trả. Công ty chúng tôi làm ăn, cũng phải đến thời điểm nhất định và trả tiền cũng đúng thời điểm hẹn chứ".
Khi phóng viên đặt câu hỏi, vì sao bà lại cho nhiều người đến lấy tài sản của gia đình mà không hề có một hành động hay việc trình báo cơ quan chức năng để xử lý, bà Phượng cho rằng: "Đây là việc của họ, vì chúng tôi nợ họ thì họ có quyền lấy, nhưng tôi khẳng định là công ty không hề có vỡ nợ nếu vỡ nợ thì tôi còn ở đây làm gì?".
Liên quan đến vấn đề trên, Trưởng công an xã Ea Toh cho biết, có nghe về sự việc nhưng chưa ai trình báo về việc công ty của Quý Phượng vỡ nợ, không trả tài sản.
"Sự việc đó, tôi mới nghe, nhưng chưa có người dân nào gửi đơn trình báo về việc công ty này vỡ nợ rồi không trả tiền cho dân. Nếu có thông tin cụ thể, đơn vị sẽ báo lãnh đạo cấp trên và sẽ có hướng xử lý, rồi cung cấp thông tin đến báo chí sau", trưởng công an xã Ea Toh nói.