Tất cả chúng ta đều hiểu một lễ thành hôn dù được tổ chức rình rang, rầm rộ, tốn kém đến mấy thì cũng chỉ là khởi đầu của một cuộc sống chung giữa hai người yêu nhau mà thôi. Những ngày tháng yêu nhau mơ mộng chưa bao giờ bảo đảm chắc chắn cuộc hôn nhân ấy sẽ mãi ngọt ngào và hạnh phúc. Số lượng của nả hồi môn lại càng không phải là một căn cứ để chứng minh cuộc sống hôn nhân sau đó sẽ thế nào. Khi hai con người với hai tính cách khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau... về chung một nhà, những lúc “cơm không lành canh không ngọt” sẽ khó tránh khỏi.
Vậy làm thế nào để sống với người mình yêu một cách hạnh phúc, êm ấm? Làm thế nào để đôi bên chấp nhận và dung hòa những khác biệt của nhau? Làm thế nào chăm sóc “cây hạnh phúc” để cả hai đều được hưởng những trái ngọt?
Có thể nói mối quan hệ hôn nhân luôn là mối quan hệ của trao và nhận từ cả hai phía. Nếu chỉ có một phía trao đi nào là tình yêu, nào là sự quan tâm chăm sóc, nào là sự vun đắp gia đình… thì nhất định sự đổ vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vợ chồng muốn chung sống hòa thuận, hạnh phúc, hãy biết lắng nghe nhau. Hình minh họa: Internet. |
Bí quyết rút ra từ những cuộc hôn nhân bền vững là sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau hàng ngày một cách rất cụ thể, thiết thực chứ không phải là những lời nói hoa mỹ chỉ có tác dụng làm thỏa mãn tai nghe của nhau. Thế nhưng sự quan tâm chăm sóc ấy nhất thiết phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải như kiểu chăm sóc ban phát đi kèm thái độ kẻ cả và những lời lẽ kể công nhiếc móc.
Có thể nói rằng, chính sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc của một cặp vợ chồng. Tôn trọng ở đây là tôn trọng cảm xúc, tôn trọng công việc, tôn trọng chính kiến, tôn trọng cả những nỗi buồn, sự bất như ý trong cuộc sống cũng như trong công việc của người bạn đời.
Trái ngược với tôn trọng là sự kiểm soát giờ giấc, các mối quan hệ, thu nhập và cả... từng cuộc điện thoại gọi đến gọi đi, từng dòng tin nhắn qua điện thoại hay facebook cá nhân. Bạn cũng đừng quên là mọi sự kiểm soát đều khiến đời sống vợ chồng trở nên ngột ngạt. Mọi sự kiểm soát ngặt nghèo chỉ khiến cho người bị kiểm soát có thêm nhiều sáng kiến để... ''lách luật'' mà thôi!
Tất cả các bài học trên lý thuyết lẫn thực tế đều chỉ ra rằng, không nên để ''bóng mây đen'' quá khứ che phủ cuộc sống hiện tại của bạn. Kể cả khi những xung đột lớn nhỏ xảy ra thì điều tối kỵ nhất là lôi quá khứ của nhau ra chì chiết hay khiến cho người kia tổn thương, đau đớn. Người Việt mình có câu ''Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời''. Chắc chắn những lời đau ấy sẽ khiến người nhận bị tổn thương gấp bội, bởi chúng được thốt lên từ chính người ta yêu quý nhất!
Trong rất nhiều trường hợp, những lời nói gây tổn thương cho người khác không bay theo gió mà lại còn đọng lại trong trái tim họ. Sự đổ vỡ hôn nhân nhiều khi lại bắt nguồn sâu xa từ những câu nói bộc phát trong lúc nóng giận mất khôn. Tiếc rằng điều này thường ít người lưu tâm đến. Không ít người trong chúng ta có thói quen nói chuyện không suy nghĩ, bất chấp mọi cảm xúc của người khác và sẵn sàng biện minh rằng, nói thẳng toẹt ra như thế mới là thật lòng thật dạ!
Sự tôn trọng trong cuộc sống vợ chồng còn thể hiện ở khả năng lắng nghe nhau và khả năng thiết lập cũng như duy trì cuộc trò chuyện một cách ôn hòa. Không thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc nếu như chỉ có một người nói còn người kia phải im lặng và răm rắp nghe theo. Lại càng không thể có sự bình đẳng trong hôn nhân nếu giữa hai người không có những cuộc trao đổi thẳng thắn để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất thay vì im lặng chấp nhận.
Chỉ những người có kinh nghiệm sống dày dặn mới hiểu được điều này: “Thực ra thì cãi nhau cũng là một nghệ thuật”. Trao đổi với nhau để gia đình tiếp tục tồn tại chứ không phải là những cuộc cãi cọ, mắng nhiếc nhau để rồi sau đó ai đi đường nấy. Xây đắp hôn nhân là một hành trình dài, đòi hỏi cả sự nỗ lực lẫn nghệ thuật sống chứ cầm búa tạ để phá một cuộc hôn nhân thì chỉ cần năm phút là tan tành.
Sẽ vô cùng thiếu sót nếu như không nói điều này: Đừng bao giờ dè sẻn nói lời yêu hay những cử chỉ âu yếm với người bạn đời của bạn. Người ta thường hay quên điều này và cho đó là ''vẽ sự'', là ''không cần thiết'', bởi cuộc sống vợ chồng còn có vô số những thứ khác đáng bận tâm hơn.
Liệu bạn có thể không tưới tắm, chăm sóc cho một cái cây mua về mà nó vẫn mơn mởn xanh tươi không? Nếu câu trả lời của bạn là ''không'' thì có nghĩa là bạn đã hiểu ra vấn đề rồi đấy. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không tặng bạn đời của mình những nụ hôn, những câu thủ thỉ, nũng nịu ngọt ngào và cả những cái ôm âu yếm xiết chặt. Tất cả những cái ôm hôn và thủ thỉ ngọt ngào ấy đều không hề tốn kém tiền bạc và chiếm dụng nhiều thời gian của bạn mà hiệu quả của nó thì thật không bút nào có thể viết hết ra được.
Chỉ có dành thời gian cho nhau từ những điều nho nhỏ ấy đến những điều lớn hơn như cùng nhau nấu nướng dọn dẹp, cùng nhau đi thăm nom người thân, cùng nhau đi du lịch xa gần... là những chất keo kết dính tình cảm vợ chồng một cách khăng khít và bền chặt. Để rồi chính bạn chứ không ai khác cảm nhận được đến tận cùng hương vị của hạnh phúc.
Vậy là khái niệm ''nghệ thuật sống chung'' không phải là một cái gì đó cao siêu xa vời mà là sự tôn trọng nhau mỗi ngày, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của nhau cũng như dành cho nhau những âu yếm ngọt ngào mỗi ngày. Nếu bạn còn hoài nghi về hiệu quả của những điều mà tác giả bài viết chia sẻ, hãy thử hành động ngay từ bây giờ để cảm nhận... hạnh phúc!