Để làm được việc này, giữa nghệ sĩ và đơn vị tổ chức cần phải “bắt tay” nhau. Nhưng không phải lúc nào cũng có sự đồng thuận này nên mới có chuyện, khi cơ quan chức năng vào cuộc, tiền thuế “khủng” mới tòi ra.
Mỹ Tâm bị ảnh hưởng tên tuổi khá nặng nề sau vụ hét cát-xê 6.000 USD đồng thời “bắt” TP Đà Nẵng phải chịu luôn tiền thuế. |
Đủ mọi chiêu trò... xù thuế
Chuyện ca sĩ Mỹ Tâm bị chính ông Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu đích danh về việc đòi cát-xê cao trong chương trình trình diễn nghệ thuật pháo hoa quốc tế, đồng thời đòi địa phương phải chịu luôn phần thuế thu nhập 10% không phải là trường hợp hiếm hoi. Thế nhưng, đây được coi là “đặc quyền” của các ca sĩ/nghệ sĩ hạng A. Với thành phần nghệ sỹ ở “đẳng cấp” thấp hơn, họ phải trực tiếp thỏa thuận với đơn vị tổ chức để tránh việc phải nộp thuế hoặc nộp ít hơn so với thực tế.
Đại diện một công ty nghệ thuật kiêm tổ chức sự kiện ở Hà Nội và TP HCM tiết lộ: Các nghệ sĩ hạng A này khi ký hợp đồng bao giờ cũng có câu cửa miệng “tiền cầm tay nhé”. Tức là họ chỉ quan tâm đến số tiền “ba-rem” ứng với tên tuổi của họ, còn khoản nộp thuế thế nào là việc của bên tổ chức. Nhưng khi khai báo với cơ quan thuế, họ lại vin vào lý do “đã được đơn vị tổ chức khấu trừ 10% thuế” để “bớt” đi tiền thuế phải nộp.
Một “chiêu” được nhiều người biết đến là các ca sĩ lập công ty riêng. Khi nhận show, công ty sẽ ký hợp đồng ngược lại với chính nghệ sĩ nhưng cát-xê thấp hơn rất nhiều so với mức thực tế. Tuy nhiên, theo đơn vị tổ chức trên, “chiêu” này không dễ dàng trốn thuế và họ lập ra công ty riêng không phải để nhằm mục đích trốn thuế như mọi người nghĩ: “Nếu có chuyện ký ngược lại với ca sĩ ở mức thấp hơn thì cũng khó lọt qua kiểm duyệt của cơ quan thuế, vì họ sẽ lần ngược trở lại đơn vị đã ký hợp đồng với ca sĩ để kiểm tra hóa đơn của hai bên có khớp nhau không? Trong trường hợp này không thể có chuyện “thỏa thuận miệng” để ghi con số thấp hơn vì như thế là có lợi cho ca sĩ mà bất lợi cho chúng tôi, phải tính toán, cân đối để lấp vào... Hơn nữa, cuối năm hạch toán, ví dụ doanh thu 1 tỉ đồng mà chi ra trên giấy tờ ít hơn so với thực tế thì chúng tôi cũng “chết” vì phải nộp thuế thu nhập”.
“Cháy nhà” ra… tiền tỷ!
Gần đây, chuyện “chênh” về cát-xê giữa công ty của ca sĩ với đơn vị tổ chức đã được Cục thuế TP HCM phát hiện. Thế nên mới có chuyện, nam ca sĩ nổi tiếng tên H. sau khi bị cơ quan thuế đối chiếu thì “lòi” thêm ra khoản phải truy thu lên đến 700 triệu đồng. Hay một nữ ca sĩ nổi tiếng khác đã nộp thuế 990 triệu đồng nhưng dựa theo số liệu thu thập từ các đơn vị tổ chức biểu diễn, phòng trà ca nhạc, số lần xuất cảnh để biểu diễn ở nước ngoài cũng như mức cát-xê trên thị trường… cơ quan thuế đã yêu cầu nữ ca sĩ này kê khai lại. Và hiện tại số tiền thuế mà nữ ca sĩ này phải nộp lên đến gần 1,3 tỉ đồng.
Cũng theo đơn vị này, chuyện ghi giá cát-xê thấp hơn thực tế, vài chục triệu đồng nhưng chỉ ghi vài triệu đồng cũng xảy ra. Hoặc cũng có chương trình không thể xuất hóa đơn được. Đó là những chương trình có kinh phí thấp, nếu đóng thuế nữa thì coi như bằng hòa nên giải pháp “cả hai bên cùng có lợi” là không xuất hóa đơn.
Nhưng cũng có đơn vị tổ chức “tiết kiệm” tiền cho nghệ sĩ bằng cách chỉ “hợp đồng miệng” với nghệ sĩ. Đến một chương trình hoành tráng, do chính quyền đứng ra tổ chức như Đà Nẵng mà khi lộ ra chuyện cát-xê 6.000 USD, phía ca sĩ Mỹ Tâm phủ nhận nhưng đơn vị tổ chức cũng không thể bảo vệ lời nói của mình với báo chí chỉ vì không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Đây là cách thức khá phổ biến, nhất là với những nghệ sĩ không có công ty riêng, phong thái làm việc lại càng theo kiểu... nghệ sĩ, ngại va chạm với giấy tờ. Chính nghệ sĩ Xuân Hinh cũng thừa nhận rằng: “Không biết các nghệ sĩ khác thế nào chứ tôi xưa nay làm việc với các đơn vị chủ yếu là hợp đồng mồm, trả bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Lắm khi nói một đằng, nhưng khi trả thì lại một nẻo, vì còn phụ thuộc vào việc họ có bị đĩa lậu hớt tay trên không, đêm diễn có bán hết vé không… Khi đó thì mình phải chia sẻ với họ, chứ làm sao mà được hưởng cả”.
Vì sao phải trốn thuế?
Ngoài ca sĩ, đối tượng có thu nhập “khủng” nữa là nghề đóng quảng cáo, làm “gương mặt đại diện” của các sản phẩm càng lớn.
Chẳng hạn như người mẫu H., không chỉ nhận cát-xê khủng khi trình diễn catwalk mà còn thu nhập rất lớn từ quảng cáo. Thông thường người mẫu chỉ được trả vài trăm USD thì người mẫu này luôn ở mức riêng biệt, thấp cũng là 1.000 USD. Có sự kiện, đơn vị chỉ trả theo mức chung là 1.000 USD nhưng bị hét giá lên 2.000-3.000 USD, đơn vị tổ chức vẫn phải chấp nhận. Nhưng nguồn thu từ việc làm “gương mặt đại diện” của người mẫu này mới đáng nói. Với các thương hiệu đã nổi tiếng, cô nhận thù lao không ít hơn 30.000 USD/1 năm dù mấy năm trước phải là 50.000 USD. Nguyên do “sụt giảm” một phần là bởi kinh tế suy thoái, một phần các gương mặt để lựa chọn cũng khá nhiều chứ không còn quanh quẩn ở vài cái tên như Hồ Ngọc Hà, Tăng Thanh Hà. Ngay cả những cái tên đầy scandal như Ngọc Trinh, Angelia Phương Trinh được chọn cũng đủ thấy họ đã có nhiều lựa chọn hơn với giá “mềm” hơn.
Ngoài việc lên án những nghệ sĩ không hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, bản thân các quy định, chính sách còn nhiều kẽ hở khiến cho nhiều người ban đầu không có ý định trốn thuế nhưng sau lại gian dối vì “xung quanh mình ai cũng thế cả”. Nếu không có những chế tài nghiêm khắc hơn mà chỉ dừng lại như hiện nay thì chuyện nghệ sĩ trốn thuế/truy thu thuế sẽ mãi là câu chuyện tầm phào theo kiểu “đến hẹn lại lên”!