Nghề lạ Việt Nam: Cứ chạy là kiếm ra tiền, suốt ngày quần quật giữa nắng, gấp gáp 1 giây có thể phải làm lại từ đầu

Mỗi ngày những người thợ theo đuổi công việc này phải chạy từ 10-20km để tạo thành phẩm và kiếm được thu nhập khoảng 200.000 đồng.

Là một vật dụng hữu ích và thường xuất hiện trong đời sống con người, dây thừng - loại dây có sức chịu lực tốt, được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực nhờ tính bền chắc và khả năng chịu lực cao. Tuy nhiên, để tạo ra thành phẩm lại đòi hỏi người thợ tốn nhiều công sức, liên tục vận động, khéo léo trong từng công đoạn.

Tại huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), tồn tại làng nghề sản xuất dây thừng gần 30 năm tuổi với hàng trăm nhân công. Nơi đây được mệnh danh là “xóm chạy” vì mỗi khi bước vào công đoạn sản xuất các công nhân lại bắt đầu khởi động đôi chân rắn chắc của mình, chạy ngược chạy xuôi trên những mảnh trống để thực hiện. 

Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ rằng công việc sản xuất dây thừng chỉ đơn giản là việc cuộn và kết nối những sợi dây đơn lẻ thành một sợi dây thừng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác, đây là một nghề đòi hỏi không chỉ sự tỉ mỉ, mà còn cả sức khỏe và kỹ thuật khéo léo từ người lao động.

Dây thừng được cấu tạo khá phức tạp từ các sợi thực vật, sợi gai, sợi vải, sợi nylon... quấn thật chặt lại với nhau theo kiểu xoắn ốc. Ngày nay, người ta thường sử dụng chất liệu nhựa tổng hợp PP để tạo nên loại dây bền chặt, có lực căng tốt.

Đầu tiên, người thợ phải chia dây đơn vào các kẽ lược - một thanh gỗ ngang có các răng lược bằng sắt uốn hình chữ U, mỗi kẽ lược chứa 5 sợi dây. Sau khi luồn dây qua các kẽ lược, chúng được buộc vào một dụng cụ gọi là chiếc cào. Người thợ cầm cào này di chuyển trên bãi đất trống, đi qua các “ngựa” - giá đỡ dây, để kéo căng dây trong nhiều lượt. Khi đủ sợi, họ dùng dàn quay để cuộn dây thành phẩm.

Dưới cái nắng oi ả, người thợ lành nghề phải liên tục chạy bộ, trên tay cầm chiếc cào để căng dây. Trung bình một ngày, mỗi thợ làm dây thừng phải chạy khoảng từ 10-20km, không thua kém những vận động viên điền kinh chuyên nghiệp.

Vì thế, những người thợ lành nghề thường thức sớm, từ 4h sáng đã bắt đầu các công đoạn. Đến khoảng 16h, các công đoạn sẽ dừng lại. 

Không chỉ thế, nghề “chạy dây” còn đòi hỏi người thợ phải phối hợp nhịp nhàng cùng các cộng sự. Bởi lẽ, nếu không có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau thì các sợi dây sẽ không được kết nối một cách hoàn hảo. Thông thường, sẽ có hai người cùng nhau thực hiện, một người sẽ đứng phân loại, chia số lượng dây cước nhỏ ban đầu rồi buộc vào đầu máy se. Người này sẽ giữ máy để đảm bảo dây được kéo thẳng và se đều khi bắt đầu vận hành. Người còn lại cầm đầu dây, kéo thẳng về phía đối diện của đầu máy.

Ngoài ra, chỉ cần gấp gáp trong quá trình thực hiện, các sợi dây có thể bị rối, buộc người thợ phải làm lại từ đầu. Vì thế, những người thợ lành nghề thường truyền tai nhau để theo đuổi được công việc khó khăn này cần phải rèn luyện sự tỉ mỉ, cẩn trọng.

Nghề sản xuất dây thừng cũng đóng góp không nhỏ vào việc giữ gìn các giá trị truyền thống, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Ông Hồ Văn Ngoạn cho biết, dù tốn nhiều công sức nhưng bù lại nghề se dây mang đến thu nhập ổn định và cao hơn so với một số nghề khác. Bình quân một ký dây thành phẩm, mỗi người được trả công từ 2.000 - 5.000 đồng. Trung bình mỗi ngày thu nhập của thợ từ 200.000 - 300.000 đồng. Sinh ra trong gia đình có 2 thế hệ sản xuất dây thừng, ông Đinh Văn Út cho biết nghề này tuy vất vả nhưng có thể làm quanh năm trừ những ngày mưa lớn và kiếm được tiền trang trải cuộc sống.

Ở Quận Bình Tân (TP.HCM) cũng có làng "chạy dây", người dân chủ yếu từ các tỉnh miền Tây lên đây lập nghiệp và bén duyên với nghề. Khu xóm nhỏ tồn tại giữa một mảnh đất trống, cỏ mọc chi chít. Người dân ở đây dựng các túp lều nhỏ vừa sinh hoạt, vừa mưu sinh.

Ông Võ Văn Len (65 tuổi) có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề sản xuất dây thừng. Lúc trước, gia đình ông Len ở quê mưu sinh bằng công việc này nhưng nghe mọi người mách nhau lên thành phố kiếm thu nhập cao hơn nên cũng quyết định đi theo. 

Theo người dân địa phương, nghề kéo dây thừng làm được quanh năm, đắt hàng nhất là vào dịp Tết. Nhờ công việc “độc lạ” này mà hàng trăm hộ gia đình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ông Len cho biết người dân trong khu xóm này góp tiền với nhau để thuê mảnh đất hơn 10.000m2 với giá khoảng 15 triệu đồng/tháng để cùng nhau mưu sinh, bám nghề. Nhắc đến những khó khăn, ông Len lắc đầu ngao ngán nhất là trời mưa, vì không thể se dây. Tuy nhiên, đối với người đàn ông U70 thì công việc se dây cũng rất nhiều điều thú vị, thoải mái về thời gian và phù hợp với nhiều người. 

Ngày nay, số lượng hộ gia đình gắn bó với nghề se dây, sản xuất dây thừng truyền thống ngày càng giảm sút. Nguyên nhân không chỉ bởi công việc này đòi hỏi sự vất vả và sức khỏe bền bỉ, mà còn do mong muốn của các thế hệ trước. Họ kỳ vọng con cháu mình có thể tìm kiếm những công việc nhẹ nhàng hơn, không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Thêm vào đó, sự phát triển của các nhà máy, công ty sản xuất dây thừng công nghiệp với máy móc hiện đại đã làm giảm đáng kể quy mô và sức hút của các làng nghề truyền thống. Điều này khiến số lượng người theo nghề ngày một thu hẹp.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

3 nàng hot girl Việt từng được báo Trung khen đẹp nức nở, có người sở hữu visual giống Triệu Lộ Tư

3 nàng hot girl Việt từng được báo Trung khen đẹp nức nở, có người sở hữu visual giống Triệu Lộ Tư

Nhan sắc của các hot girl Việt Nam không chỉ được yêu mến trong nước mà còn gây ấn tượng mạnh với báo chí quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ngay cả khi nhiều năm về trước, MXH không quá phổ biến như hiện tại nhưng bộ 3 hot girl này đã “gây sốt” đất nước tỷ dân với vẻ đẹp cuốn hút và phong cách riêng biệt.