Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu thành thị. Gia đinh làm ăn buôn bán khá quy mô nên điều kiện kinh tế rất ổn định. Từ nhỏ tôi đã được cưng chiều như công chúa, muốn gì được đấy, đôi bàn tay chẳng bao giờ phải chịu nắng gió, nhọc nhằn.
Nhưng đến năm tôi 18 tuổi, việc làm ăn của gia đình ngày một kém, cuối cùng lâm vào cảnh phá sản. Bao nhiêu của cải, vườn đất đều đổ vào trả nợ hết. Bố tôi cũng vì lo nghĩ quá nhiều mà ra đi. Mẹ tôi thì suy sụp hoàn toàn. Tôi lúc đó đã thi đỗ một trường đại học danh tiếng, cũng phải dừng lại, kiếm việc đi làm để lo cho mẹ đau ốm, cho em nhỏ học hành. Bạn bè ai cũng tiếc cho tôi:
- Hay cậu cứ đi học, vừa học vừa làm thêm kiếm tiền. Đi gia sư với bưng bê hàng quán cũng kiếm được chút đỉnh. Chứ bỏ học thế này, phí lắm. Mấy người đỗ được trường danh tiếng như thế!
- Tớ cũng buồn khi không được đi học, nhưng bây giờ cả nhà tớ chỉ trông cậy vào mỗi mình tớ. Mẹ tớ thì đau ốm như vậy, em tớ cũng đang tuổi ăn tuổi học. Đi làm thêm thì được mấy chứ, đủ tiền sinh hoạt học phí cho mình là cùng chứ đâu thể lo được cho mẹ và em.
- Vậy cô dì chú bác cậu không giúp gì được sao?
- Thôi đừng nhắc đến họ nữa. Tớ thật không ngờ họ cạn tàu ráo máng như vậy. Lúc trước nhà tớ có điều kiện thì ngọt ngào qua lại, giờ muốn giúp đỡ chút xíu thì họ tránh xa cả mét. Tớ không thèm nhờ vả đến họ.
(Ảnh minh họa) |
Sau đó, tôi xin đi làm công nhân may ở một nhà máy gần nhà. Do nhanh nhẹn, lại thông minh nên từ chỗ công nhân, tôi dần dần cũng được cât nhắc lên vị trí quản lí. Ở vị trí này, tôi được tiếp xúc nhiều với các bậc lãnh đạo cấp cao hơn. Trong đó, có một vị giám đốc nữ rất yêu mến tôi. Bà thường gọi tôi là con và xưng mẹ rất thân thiết. Bà có một người con trai, hơn tôi 5 tuổi và tôi biết bà có ý giới thiệu tôi cho con trai bà. Bà nói:
- Con trai mẹ là đứa hiền lành, nhân hậu. Tuy học hành hơi thấp nhưng được cái nó biết trước biết sau, cũng rất biết thương người. Nghe mẹ kể hoàn cảnh của con, nó rất thương cảm, cũng rất mến nghị lực kiên cường và lòng hiếu thảo của con. Hôm nào qua nhà mẹ chơi, cho hai anh em gặp nhau làm quen nhé!
Sau đó ít lâu, tôi cũng đến nhà bà chơi và có gặp qua anh con trai bà, chính là chồng tôi sau này. Về cơ bản, tôi không mấy thiện cảm với anh, bởi cá nhân tôi cảm thấy, anh không phải chỉ là “học hành hơi thấp”, mà là do đầu óc chậm chạp có vấn đề. Nhưng tôi vẫn đồng ý qua lại với anh, bởi tôi nhận thấy, gia đình anh vô cùng giàu có. Mẹ anh là giám đốc công ty lớn đã đành, bố anh cũng lại là quan chức. Cơ ngơi nhà anh vô cùng khang trang. Mà tôi, thì cần cái sự giàu có của nhà anh, cần tiền để thuốc thang cho mẹ, và nuôi em ăn học. Tôi cũng mệt mỏi với việc suốt ngày đầu tắt mặt tối mà đồng lương chẳng được là bao.
Cuối cùng, tôi đồng ý lấy anh sau lời hứa cho tiền xây nhà và vốn làm ăn của bố mẹ anh. Cuộc sống của mẹ và em tôi được đảm bảo về kinh tế. Nhưng cuộc sống tinh thần của tôi thì ngày càng bất ổn. Tôi thường xuyên phát cáu vì tính chậm chạp, dốt nát của chồng. Nhiều phát ngôn của chồng khiến tôi cảm thấy đời đúng là không cho ai tất cả, và bắt đầu hối hận về quyêt định lấy anh ngày trước.
Nghe chồng dạy con làm toán, tôi càng hối hận khi trước đã tham giàu mà lấy anh. (Ảnh minh họa). |
Con trai tôi năm nay bắt đầu vào lớp 3. Dù bận rộn công việc nhưng tôi vẫn thường xuyên kèm cặp bài vở cho con. Bài hôm đó là làm phép toán trừ số có hai chữ số cho số có một chữ số. Khi dạy con trừ 21 cho 8, tôi dạy:
- Con đặt phép trừ lên giấy cho mẹ. Hàng đơn vị là số Một, Một không trừ được cho Tám, vậy con phải mượn hàng chục là số Hai một số để thành Mười một trừ đi Tám.
Nghe tôi dạy con vậy, chồng tôi ngồi bên nhảy vào nói luôn:
- Không phải mượn bợ thằng nào cái gì cả. Con cứ trừ thẳng cho bố, thiếu bao nhiêu bố cho tiền mà trả. Sao phải vay mượn lằng nhằng? Còn cô nữa, nhà tôi không thiếu cái gì cả, cô đừng có dạy con tôi vay mượn bố con thằng nào cả, xấu mặt nhà tôi!
Tôi nghe chồng nói vậy thì chỉ biết câm nín. Đã từng thấy người chồng dốt, nhưng người vừa dốt vừa hâm hấp như anh thì đúng là hiếm lạ trên đời. Càng lúc, tôi càng hối hận khi trước đã tham giàu mà lấy người như anh.