Sau nhiều năm trồng cam thấy đất vườn có dấu hiệu cằn cỗi, cây bị sâu bệnh nhiều. Năm 2006, anh Nguyễn Văn Mùa quyết định chuyển sang mô hình trồng bưởi cảnh, một mô hình mới chưa có ở huyện Thanh Oai lúc bấy giờ. Cùng với việc đi khắp nơi tìm, thửa các gốc bưởi cảnh đẹp, anh Mùa còn chịu khó mua các tài liệu, sách báo và thường xuyên gọi hỏi các chuyên gia cây ăn quả, cây cảnh ở các địa phương để học hỏi kiến thức, kỹ thuật chăm sóc.
Anh Nguyễn Văn Mùi đang chăm sóc, tạo tán cho các cây bưởi cảnh tại vườn của gia đình ở xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội). |
Anh Mùa cho biết, việc đầu tư vào mô hình bưởi cảnh là một hướng đi mới nhưng hoàn toàn đúng đắn. Minh chứng cho điều đó là các sản phẩm bưởi cảnh do gia đình làm ra lúc nào cũng đắt hàng. “Trung bình mỗi năm gia đình tôi làm và bán cây cho các khách đại gia ở các tỉnh trong cả nước khoảng trên dưới 100 chậu, trong đó có nhiều chậu bưởi có giá gần 20 triệu đồng” – anh Mùa tiết lộ.
Chị Nguyễn Thị Phương sử dụng thành thạo máy làm đất phục vụ nghề trồng bưởi cảnh của gia đình. |
Anh Mùa cho biết thêm, để có được các gốc bưởi đẹp ngoài việc chăm chỉ đi săn mùng mua gốc ở các vùng trồng bưởi lâu năm ở các tỉnh lân cận đưa về, hai vợ chồng anh còn phải kiên trì uốn, tỉa, chăm sóc mới thành công được. Đến thời điểm hiện tại nhà vườn của của anh có khoảng vài chục chậu bưởi đẹp, gốc cổ thụ được nhiều khách trả giá hàng chục triệu đồng/gốc song anh không muốn bán mà muốn giữ bảo tồn tại vườn cung cấp cho khách thuê vào các đợt Tết.
Chị Nguyễn Thị Phương (vợ anh mùa) cho hay: “Hiện, với nguồn thu nhập từ kinh doanh bưởi cảnh và cây giống mỗi năm gia đình tôi cũng có khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng. Dù không gọi là giàu có nhưng cũng đủ ăn, lo cho con học tập đầy đủ”.
Cận cảnh một sản phẩm bưởi cảnh của gia đình anh Mùi, chị Phương cho khách thuê chơi Tết Đinh Dậu 2017. |
Chị Phương cho biết,vào thời điểm này nghề trồng cây cảnh đang rất thịnh, đặc biệt là các dòng cây ăn quả như cam, bưởi… “Nghề cắt, tỉa bưởi cảnh phục vụ đại gia cũng đòi hỏi người làm phải rất kiên trì, sáng tạo nhưng được cái nhàn mà thu nhập lại gấp hàng trăm lần trồng lúa, hoa màu” – chị Phương chia sẻ.