Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng của tín ngưỡng phương Đông, chuyên trông coi tiền tài, vàng bạc cho gia chủ. Theo quan niệm xưa, ngày mùng 10 tháng Giêng (là ngày Thần Tài bay về trời) được chọn là ngày vía Thần Tài.
Vào ngày này, nhiều gia đình, công ty, cửa hàng… sắm lễ vật để cúng vía Thần Tài, cầu xin một năm mới may mắn, làm ăn thịnh vượng.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, trước khi cúng Thần Tài gia chủ cũng phải lau dọn bàn thờ cho chu đáo.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh. Ảnh: NVCC |
Khi lau dọn bàn thờ, chú ý làm từ trên cao rồi mới xuống thấp, lau các bức tượng nên dùng khăn mềm để tránh tượng bị xước hoặc bay màu sơn, có thể dùng loại máy thổi hơi để thổi sạch các hạt bụi trong góc ngách.
Khi lau chùi tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương. Nếu gặp sự cố bất khả kháng phải xê dịch các bức tượng, đồ thờ hoặc bát hương thì khi làm xong phải hoàn nguyên đúng vị trí như ban đầu.
Theo Tiến sĩ Khanh, trong ngày vía Thần Tài không nên chuẩn bị đồ cúng là những thứ tanh hôi, không nên cúng đồ giả và không sát sinh. Trong ngày này nên chuẩn bị những đồ thật như tiền, hoa quả, bánh trái, quần áo…
Sau khi cúng xong thì đem đi làm từ thiện hoặc công đức thì mới có tài lộc. “Nên cúng đồ thật vì thần đâu có thích sát sinh, đừng cúng đồ giả để che mắt ngài”, ông Khanh nói.
Về thời gian cúng, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cho rằng, nên cúng vào sáng ngày mùng 10 vì buổi sáng là lúc tâm thanh tịnh nhất.
Khi cúng thì gia chủ nên tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và mở tất cả các cửa nhà, cửa sổ đối diện với hướng Tây (hướng Tài Lộc) để đón nhận nguồn năng lượng tích cực và tài lộc cho cả nhà.