Băn khoăn giá xăng khi thuế môi trường tăng kịch trần
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: từ 1/1/2019 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần.
Nếu liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều hành giá xăng dầu sớm hơn 5 ngày so với quy định thì giá bán xăng dầu sẽ ngay lập tức được cộng thêm 1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu diesel thêm 500 đồng một lít, dầu hoả tăng 700 đồng và dầu madut tăng 1.100 đồng.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng RON 92 - xăng nền để pha chế xăng E5RON 92 - thời gian qua liên tục giảm mạnh. Kể từ sau kỳ điều hành cuối cùng của năm 2018 (ngày 21/12/2018), giá xăng dầu tiếp tục xu hướng giảm.
Thuế xăng dầu tăng kịch khung từ 1/1/2019. |
Có thời điểm giá xăng RON 92 giảm còn 51,31 USD/thùng (vào ngày 26/12/2018), mức thấp nhất trong kể từ tháng 8/2016 và thấp hơn nhiều mức giá của 15 ngày trước đó.
Đà giảm của giá xăng dầu đã khiến cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu không tác động nhiều đến giá xăng dầu trong đợt điều chỉnh đầu năm 2019. Đó là chưa kể, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tăng cường trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để có thêm công cụ phòng ngừa khi giá xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng.
Tuy nhiên, trường hợp giá xăng dầu quay trở lại quỹ đạo tăng mạnh thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và chi phí doanh nghiệp nếu không có giải pháp điều hành cẩn trọng.
Dự báo về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng dầu từ ngày 1/1/2019 lên kịch trần, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng dầu sẽ tác động trực tiếp làm Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,27-0,29%.
Tuy nhiên, đó là đánh giá về mặt tổng thể. Còn trong công tác điều hành, khi giá xăng dầu thế giới tăng, chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm bớt đà tăng. Năm 2018, giá xăng dầu thế giới bình quân tăng trên 30% so với năm 2017, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 15-16%.
Giá xăng dầu thế giới đang trong xu hướng giảm so với những tháng trước đó. Giá xăng dầu tháng 12/2018 giảm trên 12%. Cho nên, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng: Trong kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của tháng 1/2019, chúng ta có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá để giảm bớt mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng.
Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá: “Giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều tới lĩnh vực, vì thế Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua phụ thuộc rất nhiều giá xăng dầu. Thực tế, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì lo ngại CPI năm 2018 không đạt mục tiêu đề ra. May mắn là giá xăng dầu đang trong xu hướng giảm nên CPI có thể đạt được mục tiêu kiểm soát dưới 4%”, ông Phương nói.
Về tình hình giá xăng dầu thời gian tới, ông Phương dự báo, năm 2019 giá xăng dầu không có nhiều biến động. Điều này xuất phát từ việc kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc đột biến.
“Hiện tại, kinh tế thế giới cũng chưa có đột phá để các nền kinh tế phát triển mạnh. Kinh tế Mỹ có thể sẽ hơi chậm lại sau khi đã phát triển mạnh trong năm qua. Kinh tế Trung Quốc khó khăn, lùng bùng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. EU thoát khỏi khủng hoảng nhưng chưa tăng trưởng được nhanh... ”, ông Lê Quốc Phương phân tích.
Điều hành sớm hơn 5 ngày vì lo "ông lớn" xăng dầu lỗ?
Kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm 2019 theo quy định là vào ngày 5/1. Nhưng có khả năng sẽ được điều chỉnh sớm hơn thường lệ 5 ngày, tức vào ngày 1/1/2019.
Tại hội nghị Chính phủ với 63 địa phương ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, liên Bộ Tài chính - Công Thương đang tính phương án sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu và điều chỉnh ngày điều hành giá mặt hàng này vào 1/1/2019, trùng với thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh đó sẽ đảm bảo cân đối vừa tăng được thuế môi trường với xăng dầu, vừa đảm bảo lợi ích của các bên.
Sở dĩ liên Bộ phải điều hành giá sớm hơn 5 ngày so với quy định vì gặp phải phản ánh của các DN xăng dầu.
Cụ thể, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ 1/1/2019 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần. Nhưng phải đến ngày 5/1 mới đến kỳ điều hành giá xăng dầu. Về lý thuyết, giá xăng dầu từ 1/1/2019 đến ngày 5/1/2019 vẫn phải áp dụng mức giá của ngày 21/12/2018, đây là mức giá bán chưa được cộng thêm thuế bảo vệ môi trường tăng thêm.
Vì thế, ông lớn xăng dầu Petrolimex lo ngại sẽ có 5 ngày bị lỗ và dọa rằng nguy cơ thiếu xăng dầu có thể xảy ra vì các doanh nghiệp hạn chế bán ra để giảm lỗ.
Cho nên, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho rằng: Hệ luỵ, các thương nhân đầu mối sẽ bị mất nguồn lực, thậm chí phát sinh lỗ, nhất là với mặt hàng xăng và madut vì mức tăng thuế bảo vệ môi trường trên 1.000 đồng một lít. Lý do là các doanh nghiệp phải giữ ổn định giá bán xong vẫn phải nộp thuế bảo vệ môi trường tăng thêm. Ngoài ra, nguy cơ bất ổn thị trường (thiếu nguồn) trong kỳ nghỉ lễ có thể xảy ra vì các doanh nghiệp hạn chế bán ra để giảm lỗ.
Tập đoàn này tính toán, trung bình lượng xăng dầu xuất bán một ngày khoảng 25.000 lít, số tiền Petrolimex phải trả khi thuế bảo vệ môi trường xăng dầu phải nộp thêm khoảng 18,5 tỷ đồng một ngày. Với 5 ngày đầu năm 2019, tập đoàn này bị giảm thu khoảng 90 tỷ đồng do phải nộp thêm thuế bảo vệ môi trường nếu giá bán không thay đổi.
Lương Bằng