Liên đảng bảo thủ của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội Đức hôm nay bước vào ngày đàm phán cuối cùng nhằm đi tới một thỏa thuận thành lập chính phủ “đại liên minh”, cũng như đưa nước Đức thoát khỏi bế tắc chính trị kéo dài suốt 4 tháng qua.
Ngày 4/2, Liên đảng bảo thủ của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội Đức bước vào ngày đàm phán cuối cùng để đi tới thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh. Ảnh: Sputnik |
Sau những ngày đàm phán nước rút vừa qua, Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel và đảng Dân chủ Xã hội Đức đã thống nhất được lập trường trong một số vấn đề lớn, trong đó có cả những vấn đề nhạy cảm như mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đoàn tụ gia đình người tị nạn hay lương hưu.
Phát biểu trước khi bước vào những cuộc đàm phán nước rút cuối cùng, Thủ tướng Đức Angela Merkel lạc quan cho rằng, dù vẫn còn nhiều bất đồng, song cả Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo và Dân chủ Xã hội đều có quyết tâm rất lớn nhằm tháo gỡ những quan điểm khác biệt.
“Các bên đều đã làm việc rất vất vả trong suốt tuần qua. Giờ là lúc chúng ta cần thống nhất lập trường và xác định những điểm còn gây tranh cãi. Chúng tôi có thiện chí vượt qua những khó khăn dù vẫn còn nhiều việc ở phía trước”, bà Merkel nói.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz bày tỏ tin tưởng, đàm phán sẽ cho kết quả thành công: "Vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết và chúng tôi sẽ đàm phán với nỗ lực cao nhất để có thể thống nhất lập trường trong những vấn đề như lao động, hay chính sách y tế. Tôi xin nhấn mạnh là không có áp lực về thời gian, bởi đã đến được giai đoạn này, chúng ta cần phải thảo luận một cách nghiêm túc nhất và cụ thể nhất về thỏa thuận liên minh."
Trong một bước đi được xem là nhượng bộ lớn trước đảng Dân chủ Xã hội, Thủ tướng Merkel hôm qua tuyên bố, sức mạnh của sự tăng trưởng kinh tế Đức có thể cho phép chính phủ chi tiêu nhiều hơn. Trước đó hồi giữa tuần, Chính phủ Đức đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế đất nước năm 2018 đạt 2,4% so với 1,9% dự đoán trước đó. Một số nhà lãnh đạo chính trị cũng dự báo khả năng các bên có thể đạt được một thỏa thuận trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, một số khác lại không loại trừ khả năng trong 1-2 ngày tới.
Rào cản khó khăn nhất hiện nay vẫn là cải cách bảo hiểm y tế. Đảng Dân chủ Xã hội muốn sáp nhập giữa tư nhân và nhà nước, đồng thời tạo ra một hệ thống “bảo hiểm công dân”. Song đây lại là điều mà phe bảo thủ nhiều lần bác bỏ. Ngoài ra, các bên vẫn phải tiếp tục thảo luận những đề tài khác như lao động, y tế, chăm sóc sức khỏe,...
Trong trường hợp Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo đạt được thỏa thuận, văn kiện còn phải được hơn 440 nghìn đảng viên Dân chủ Xã hội trên toàn nước Đức thông qua trước khi có hiệu lực, để chấm dứt hơn 4 tháng bất ổn chính trị kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, đây lại không phải là rào cản quá lớn, bởi gần như chắc chắn các phe nhánh đối lập trong đảng Dân chủ Xã hội sẽ đạt được sự thỏa hiệp. Hơn hết đây cũng là nguyện vọng của người dân Đức, mong muốn các bên sẽ thu hẹp được khác biệt vì lợi ích chung, nhất là trong bối cảnh không chỉ nước Đức, mà cả Liên minh Châu Âu đều đang cần sự lãnh đạo của một chính phủ Đức ổn định và mạnh mẽ để vượt qua hàng loạt thử thách hiện nay./.