Ngày 10/6, công bố danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV
Ngày 10/6 tới, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ để đánh giá tổng thể về cuộc bầu cử.
Mới đây, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, ngày 10/6 tới, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ để đánh giá tổng thể về cuộc bầu cử.
Theo dự kiến trong ngày, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức họp báo, công bố Nghị quyết của Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.
|
Cử tri bỏ phiếu bầu cử tại điểm bỏ phiếu số 10, bản Hùng Pèng, xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN. |
Ngày 10/6 tới đây, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức họp báo, công bố Nghị quyết của Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.
Ủy ban Bầu cử 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đánh giá sơ bộ, công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử HĐND cấp tỉnh/thành phố nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tổng thư ký Quốc hội, Bùi Văn Cường cho biết, ngày bầu cử 23/5 vừa qua, có hơn 69 triệu cử tri cả nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Bùi Văn Cường đánh giá, thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 không chỉ khẳng định ý thức chính trị, ý thức về quyền làm chủ của người dân mà còn thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đây là cuộc bầu cử vừa qua có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lại diễn ra trong "hoàn cảnh chưa bao giờ có, chưa từng xảy ra" khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn và tác động đến khoảng 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều địa bàn, khu vực, nhiều tỉnh bị tác động rất nặng nề như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc…
Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,6%, (cao hơn cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021). Điều này cho thấy dù trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, cử tri vẫn nô nức đi bỏ phiếu để bầu chọn những người xứng đáng đại diện cho mình tại cơ quan dân cử các cấp, không chỉ khẳng định ý thức chính trị, ý thức về quyền làm chủ của người dân mà còn thể hiện sâu sắc lòng yêu nước và niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cử tri đã bầu đủ 100% số lượng ĐBQH theo luật định (nhiệm kỳ trước chỉ bầu được 99,2% tổng số ĐBQH cần bầu); bầu được 99,87% số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh; 99,81% số đại biểu HĐND cấp huyện và 98,91% số đại biểu HĐND cấp xã so với số lượng cần bầu theo luật định. Các tỷ lệ này đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Trong cả nước, không có đơn vị bầu cử nào phải bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, có 6 đơn vị thuộc 3 tỉnh phải bầu cử thêm; không có đơn vị nào phải bầu cử lại. Đối với cấp xã, có 79 đơn vị thuộc 15 tỉnh phải bầu cử thêm; có 5 đơn vị thuộc 2 tỉnh, thành phố phải bầu cử lại. Đối với các đơn vị phải bầu cử thêm, bầu cử lại, Hội đồng Bầu cử quốc gia đều đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo đúng luật định.
Công tác tổ chức bầu cử trong ngày 23/5 và cả bầu cử sớm diễn ra suôn sẻ, đúng luật, không có sự cố lớn nào xảy ra. Công tác an ninh trật tự, phòng, chống dịch COVID-19 được bảo đảm và tuyệt đối an toàn. Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới sáng tạo và hiệu quả.
Để hoàn tất công tác bầu cử, sau khi công bố danh sách sẽ kịp thời xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử và xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, HĐND.
Liên quan ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương vừa có đơn xin thôi không tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa XV vì lý do sức khoẻ. Ngày 10/6, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ tổ chức họp và có quyết định chính thức về vấn đề này.
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia có thẩm quyền xem xét tư cách đại biểu Quốc hội trước khi công bố danh sách chính thức.
Trao đổi với VOV, ông Lê Thanh Vân - đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, thực ra câu chuyện này là bình thường, vì theo nguyên tắc, người nằm trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội và người trúng cử đại biểu Quốc hội đều có quyền xin rút khỏi danh sách người ứng cử hoặc xin không làm đại biểu Quốc hội với lý do chính đáng. Sức khỏe không bảo đảm được coi là một lý do để xem xét và thẩm quyền xem xét trong giai đoạn chưa công bố kết quả bầu cử thuộc về Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Tuy nhiên, ông Vân cũng cho rằng, đáng ra “anh ấy phải ý thức được tình trạng sức khỏe của mình trước khi làm đơn ứng cử đại biểu Quốc hội”.
“Nếu ông Nam mới phát hiện căn bệnh nan y hoặc một lý do đặc biệt khác có xác nhận của cơ quan chuyên môn là không đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ thì mới coi đó là lý do chính đáng. Còn nếu vì một lý do khác nhưng lấy cớ bằng lý do sức khỏe là không thuyết phục. Đương nhiên dư luận sẽ đặt câu hỏi về ý thức tự giác của ứng cử viên khi làm đơn ứng cử đại biểu Quốc hội” – ông Vân nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội có 30 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV