Sáng ngày 1/9, chị Trần Thị Thanh Phúc (Hà Nội) đến Dân Việt để gửi đơn tố cáo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) về việc ngày 19/11/2015, chị bị mất 4 tỷ đồng trong tài khoản.
Khách hàng mất 4 tỷ đồng, ngân hàng không biết người rút là ai
Cụ thể, ngày 25/8/2015, số dư tài khoản của chị Phúc là 4.200.644.667 VNĐ. Đến ngày 19/11/2015, với ý định chuẩn bị mua nhà, chị Phúc đến chi nhánh ngân hàng SCB tại 102 Nguyễn Khuyến để rút tiền. Tuy nhiên, đến đây thì chị Phúc với ngớ người vì nhân viên ngân hàng cho biết số tiền 4 tỷ của chị đã được chuyển khoản sang ngân hàng khác vào ngày 05/10/2015.
Vô cùng bất ngờ vì câu trả lời của nhân viên, vì kể từ cuối tháng 8/2015 đến thời điểm đó, chị Phúc khẳng định không hề thực hiện bất cứ giao dịch chuyển hay rút tiền nào.
Hình ảnh người thanh niên đến thực hiện chuyển khoản từ tài khoản của chị Phúc sang tài khoản khác do SCB cung cấp. |
“Tôi có hỏi nhân viên tại sao tiền được chuyển đi mà khách hàng không biết? Nhân viên ngân hàng trả lời, vào ngày 05/10/2015 có một thanh niên cầm theo “Ủy nhiệm chi” có chữ ký của khách hàng đến yêu cầu chuyển 4 tỷ ở tài khoản của chị Phúc sang cho một tài khoản khác, tên Lê Thu Hà, của ngân hàng VPbank.
Lúc đó, nhân viên ngân hàng có gọi điện đến số điện thoại của khách hàng để xác nhận lại thông tin, thì đầu dây bên kia trả lời rằng tôi đang bị ốm nên nhờ cậu thanh niên này đến chuyển khoản hộ. Sau đó, nhân viên đã đối chiếu thanh niên này với chứng minh thư và thực hiện giao dịch. Nhân viên này khẳng định làm như vậy là đã đúng quy trình và giao dịch hợp lệ”, chị Phúc kể lại.
Không đồng ý với giải thích trên của nhân viên ngân hàng, chị Phúc khẳng định rằng vào ngày 5/10 chị không hề nhận được cuộc điện thoại nào từ phía ngân hàng. “Tôi yêu cầu nhân viên cho nghe lại đoạn ghi âm cuộc gọi, tuy nhiên phía ngân hàng từ chối”.
Điều đáng nói, theo chị Phúc, SCB không hề biết người chuyển tiền là ai, chỉ biết là con trai vì họ đã không sao chụp, photo lại chứng minh thư của người rút tiền.
Theo quy trình, người chuyển tiền hộ phải có “Hợp đồng uỷ quyền” của chủ tài khoản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người đến chuyển tiền không có giấy tờ này, chỉ có chứng minh thư và giấy uỷ nhiệm chi có chữ ký của chị Phúc. Thư xác nhận của SCB cũng thừa nhận người đến chuyển tiền không có “Giấy uỷ quyền” hay “Hợp đồng uỷ quyền” hợp pháp, chỉ có chứng minh thư của khách hàng là chủ tài khoản và giấy uỷ nhiệm chi có chữ ký được cho là của khách hàng.
Cho tới thời điểm này đã 10 tháng từ khi biết số tiền của mình bị mất, chị Phúc đã làm đơn khiếu nại nhiều lần tới SCB, sau đó làm đơn lên cơ quan Thanh tra, Giám sát NHNN, nhưng sự việc của chị vẫn nằm ở giai đoạn “chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ” mà chưa hề nhận được câu trả lời chính thức nào từ phía SCB hay cơ quan điều tra.
Trong đơn khiếu nại, chị Phúc cho biết 4 tỷ đồng trên là số tiền chị có mục đích sử dụng để mua nhà ở và yêu cầu SCB hoàn trả đầy đủ số tiền trên cho mình.
Ngân hàng làm sai quy trình, phủi bỏ trách nhiệm?
Sau khi nhận đơn tố cáo của chị Phúc, Dân Việt đã liên hệ với SCB và được ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, xác nhận có sự việc này.
Ông Văn cho biết, sự việc đang được cơ quan công an ở Hà Nội điều tra. “Do họ xử lý chậm nên khách hàng bức xúc. Để mọi việc thuận lợi, tôi có nói với bên chi nhánh SCB ở Hà Nội, qua đầu tháng 9 (sau nghỉ lễ) sẽ mời cả bên công an và khách hàng bị mất tiền để có cuộc làm việc 3 bên, nắm thông tin điều tra sơ bộ tới đâu cho khách hàng yên tâm”, ông Văn cho biết.
Về sự việc của chị Phúc, ông Văn có một vài băn khoăn: “Nếu không có nhu cầu chuyển tiền tại sao khách hàng lại ký vào uỷ nhiệm chi? Uỷ nhiệm chi được làm đúng theo mẫu của ngân hàng. Cái uỷ nhiệm chi này cũng được chuyển cho cơ quan điều tra để họ xác minh tính thực sự của nó”.
Uỷ nhiệm chi có chữ ký của chị Phúc do SCB cung cấp. |
Một vấn đề nữa, theo ông Văn, ngày khách hàng nhờ người đến chuyển tiền, ngân hàng gọi cho chị ấy. Chị ấy nói bữa đó bệnh, không ra ngân hàng được nên phải nhờ một thanh niên qua. Thanh niên đó có cầm uỷ nhiệm chi của khách hàng và chứng minh thư của khách hàng.
“Về phía ngân hàng, mình cũng thừa nhận là đúng do khách hàng này là quen biết của ngân hàng, quan hệ lâu năm. Nên cái sai của ngân hàng là tin tưởng khách hàng quá, cho nên mới có giao dịch kiểu đó. Chứ còn bình thường không có chuyện đó đâu”, ông Văn giải thích.
Ông Văn khẳng định, nếu trong trường hợp khách hàng và ngân hàng đều là nạn nhân, bị trục lợi thì ngân hàng sẵn sàng bồi hoàn cho khách hàng số tiền đó.
Ông Văn nhấn mạnh: “Nếu cơ quan điều tra xác nhận lỗi là do ngân hàng thì tôi sẵn sàng bồi hoàn cho khách hàng trong vòng 24h”.
“Khi giao dịch, bên này có dịch vụ SMS gửi cho khách hàng. Không thể nói chị ấy không nhận được SMS, ngân hàng có đầy đủ cơ sở, dữ liệu đã nộp cho cơ quan công an điều tra”, ông Văn cho biết.
Về vấn đề này, theo chị Phúc, việc ngân hàng làm sai quy trình dẫn đến mất tiền của khách hàng và việc cá nhân lừa đảo là hai việc hoàn toàn khác nhau. "Nếu ngân hàng làm đúng theo quy trình thì kẻ gian không có cơ hội lừa đảo".