TS. Cấn Văn Lực |
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV
Việc NHNN quyết định giảm một số lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm %, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng giảm 1 điểm %, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 điểm %), là một động thái khá mạnh dạn, trong bối cảnh xu hướng lãi suất toàn cầu còn tăng nhẹ, áp lực lạm phát trong nước vẫn còn.
Áp lực lãi suất, tỷ giá đối với Việt Nam đã và đang giảm đáng kể. Thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã giảm 1-2% và tỷ giá USD/VND thậm chí giảm 0,1% so với đầu năm. Lạm phát dù còn cao, nhưng đang giảm dần từ tháng 2/2023. CPI hai tháng đầu năm tăng 4,31% (từ mức tăng 4,89% của tháng 1) và lạm phát cơ bản tăng 4,96% (từ mức tăng 5,21% của tháng 1) so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiền tệ trong nước cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Trong bối cảnh xuất khẩu thu hẹp, sản xuất công nghiệp chậm lại, nhu cầu tín dụng khá thấp. Lãi suất thị trường liên ngân hàng đã giảm đáng kể và duy trì ổn định.
Việc giảm lãi suất sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp về nghĩa vụ tài chính, nhất là trong bối cảnh áp lực trái phiếu đáo hạn tăng; xuất khẩu, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chậm lại, dù đang cải thiện từ tháng 2/2023. Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN đối với nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ có 4 tác động sau:
1. Hỗ trợ các TCTD trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; qua đó, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
2. Lãi suất giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Tuy nhiên, hiện tại chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ, đối với các lĩnh vực ưu tiên, nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều. Sau này, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm thì sẽ tác động tích cực đối với tất cả các bên vay. Đồng thời, doanh nghiệp có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
3. Doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra.
4. lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng |
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng:
Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam có thể coi là bước đi chủ động, linh hoạt của nhà điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn hiện nay. Giảm lãi suất điều hành là cơ sở quan trọng để giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Diễn biến này được kì vọng đem lại một số tác động tích cực cho nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng:
Thứ Nhất, trước đợt giảm lãi suất điều hành này, nhiều NHTM đã giảm lãi suất huy động từ 1-2% so với mức đỉnh của năm 2022. Vì vậy, với mức giảm 1% của lãi suất tái chiết khấu theo Quyết định 313/QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 sẽ là cơ sở để các NHTM tiếp tục giảm lãi suất huy động. Kênh tiền gửi tiết kiệm có thể coi là kênh đầu tư cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư bất động sản. Do đó, khi kênh tiền gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn thì các nhà đầu tư sẽ có thể lựa chọn các kênh đầu tư khác, qua đó tạo cơ hội để hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường tài sản khác thoát khỏi sự ảm đạm
Thứ Hai, lãi suất huy động giảm là cơ sở tốt nhất để giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt. Điều này sẽ giảm gánh nặng lãi suất cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho kinh tế tăng trưởng.
Thứ Ba, vốn là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) gặp nhiều khó khăn thì ngành ngân hàng đang được coi là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất qua cao trong giai đoạn cuối 2022, đầu 2023 đã khiến cho lực cầu tín dụng khá yếu. Các doanh nghiệp ngại ngần không dám dầu tư, các khách hàng vay vốn không những không vay mới mà còn tìm cách hoàn trả nợ khiên cho dư nợ tại hệ thống ngân hàng giảm mạnh.
Chính vì vậy, việc giảm lãi suất điều hành cũng như lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 1 số lĩnh vực có thể coi là một cách khơi thông dòng vốn đang bị “tắc nghẽn” do lực cầu yếu. Khi dòng vốn được khơi thông, kì vọng các doanh nghiệp và các chủ thể khác sẽ tiếp cận với nguồn vốn có chi phí hợp lý, từ đó tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi.