1. Trong bộ Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Nhân đỉnh là chiếc đỉnh thứ hai. Trên đỉnh này khắc hình tượng “Hương giang” là sông Hương, dòng sông biểu tượng chảy qua Kinh thành Huế. Kiến trúc Kinh thành Huế được tái hiện ở đây qua hình ảnh bức tường gạch. |
Kỳ đài ở Kinh thành Huế ngày nay. Kinh thành (vòng thành ngoài) của Huế được xây dựng từ năm 1805-1832, có mặt bằng hình vuông, mặt trước hơi khum ra như hình cánh cung vì phải chạy theo chiều uốn nhẹ của sông Hương. Chính giữa mặt này là Kỳ đài, một biểu tượng của Cố đô Huế. |
Góc Tây- Nam Kinh thành Huế. Theo đo đạc, chu vi của vòng thành là 10.571 mét, bề dày trung bình của thân thành là 21,50 mét. Thành có 10 cổng, trên mặt thành có xây pháo đài, giác bảo, pháo nhãn, tường bắn, vọng lâu... Về tổng thể, các công trình vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay. |
2. Trên Nghị đỉnh, chiếc đỉnh thứ 5 trong bộ Cửu Đỉnh có khắc hình tượng “Quảng Bình quan”, nghĩa là cửa ải Quảng Bình, một công trình thuộc hệ thống lũy Thầy ở Quảng Bình, có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. |
Quảng Bình Quan ngày nay. Trong quá khứ, Quảng Bình Quan là một cổng thành nằm ở vị trí chiến lược, có nhiệm vụ kiểm soát tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam và đường vào dinh Quảng Bình thời chúa Nguyễn. |
Quảng Bình quan đã hai lần bị phá hủy do chiến tranh, những năm gần đây mới được phục dựng. Công trình nằm giữa hai tuyến đường Quang Trung và Lê Lợi ở trung tâm thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. |
3. Dụ đỉnh, chiếc đỉnh thứ 8 trong Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Hải Vân quan”, nghĩa là cửa ải Hải Vân, một công trình nằm ở vị trí chiến lược, trấn giữ đường thiên lý Bắc – Nam suốt nhiều thế kỷ. |
Khu vực Hải Vân quan hiện tại. Có từ thời Lê, Hải Vân quan được củng cố và mở rộng dưới thời vua Minh Mạng. Đây là một cơ cấu phòng thủ rất kiên cố, có khả năng bao quát một vùng rộng lớn và đẩy lùi mọi cuộc tấn công bất ngờ. |
Vào năm 1926, quân đội Pháp đã phá nhiều công trình cũ ở Hải Vân quan để xây dựng một hệ thống lô cốt – được gọi là Đồn Nhất. Ngày nay, Hải Vân quan còn lưu giữ được một cánh cổng gạch dạng công sự có từ thời Nguyễn. |
4. Huyền đỉnh, chiếc đỉnh cuối cùng của Cửu Đỉnh có khắc hình tượng “Hoành sơn” là đèo Ngang, con đèo nằm ở ranh giới Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trên đèo có một cửa ải gọi là Hoành Sơn quan, được khắc ở chính giữa hình tượng này. |
Khu vực Hoành Sơn quan ngày nay. Năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng, một cổng bằng gạch đá được xây dựng giữa đèo để kiểm soát việc qua lại tuyến đường hiểm yếu này, mang tên là Hoành Sơn quan. |
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dù toàn bộ khu vực hứng chịu rất nhiều bom đạn, Hoành Sơn quan vẫn đứng vững và ngày nay là địa điểm dừng chân thu hút nhiều du khách mỗi khi qua đèo Ngang. |
Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.